Siết hoạt động buôn bán rác thải nhựa

Liên hiệp quốc (LHQ) cho biết, gần như tất cả các nước trên thế giới đã nhất trí một khuôn khổ pháp lý mang tính ràng buộc nhằm ngăn chặn rác thải nhựa, vốn đã trở thành mối đe dọa lớn đối với môi trường biển.
Rác thải nhựa trở thành vấn đề nan giải toàn cầu
Rác thải nhựa trở thành vấn đề nan giải toàn cầu

Minh bạch với rác thải nhựa

Theo CNN, chính phủ của 187 quốc gia đã đồng ý kiểm soát vận chuyển  rác thải nhựa giữa biên giới các nước, trong nỗ lực kiềm chế cuộc khủng hoảng nhựa thế giới, nhưng Mỹ không nằm trong số đó. Đây là kết quả sau kỳ họp kéo dài 2 tuần tại Geneva, Thụy Sĩ của các nước tham gia Công ước Basel. 

Theo Công ước Basel sửa đổi, các loại nhựa thải không phù hợp để tái chế sẽ được bổ sung vào danh sách rác thải cần quản lý, và phải có sự đồng ý của các nước nhập khẩu trước khi xuất sang các nước này. Trong một thông cáo báo chí, Ban Thư ký Công ước cho biết, sửa đổi trên sẽ “khiến cho hoạt động buôn bán rác thải nhựa trên toàn cầu trở nên minh bạch hơn và được quản lý tốt hơn trong khi đảm bảo rằng, việc xử lý chúng sẽ an toàn với sức khỏe con người và môi trường”. Nhật Bản, nước đã cùng với Na Uy trình dự thảo sửa đổi Công ước Basel, là nước xuất khẩu một phần rác thải nhựa của mình sang Trung Quốc và các nước đang phát triển khác. Việc thông qua Công ước sửa đổi sẽ khiến Nhật Bản thúc đẩy các nỗ lực tái chế nhiều rác thải hơn nữa ở trong nước, thay vì xuất khẩu. Theo Viện Quản lý rác thải nhựa có trụ sở ở Tokyo, trong tổng lượng chai lọ nhựa của Nhật Bản năm 2017 thì có 23% được tái chế nhưng chỉ 40% số đó được tái chế trong nước. 

Theo Chương trình Môi trường của LHQ, khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra mỗi năm, trong đó 8 triệu tấn trôi ra các đại dương. Trong khi Trung Quốc là nước thải ra lượng rác thải nhựa lớn nhất trong năm 2015 thì Nhật Bản lại là nước có tỷ lệ bình quân rác thải nhựa theo đầu người cao thứ hai thế giới. Mỹ đã ký Công ước Basel năm 1990 nhưng vẫn chưa phê chuẩn mặc dù có tỷ lệ bình quân rác thải dựa theo đầu người cao hàng đầu thế giới.

Ràng buộc cao

Dù chưa phê chuẩn nhưng phán quyết vẫn sẽ áp dụng với Mỹ nếu họ cố bán chất thải nhựa đến bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Mỹ từng đưa chất thải nhựa đến nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và Malaysia, nhưng gần đây đã phải đối mặt với các vụ phản đối gia tăng ở những quốc gia này.

Trong năm qua, các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ cũng đã thực hiện các bước để hạn chế nhập khẩu rác thải nhựa, khiến các container rác nhựa tồn động ở các cảng của Mỹ. Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), việc quyết định sửa đổi công ước Basel là “một bước rất đáng hoan nghênh” nhằm khắc phục sự mất cân bằng sinh thái và khôi phục lại trách nhiệm đối với hệ thống quản lý chất thải nhựa toàn cầu. Ước tính, hiện có khoảng 100 triệu tấn rác thải nhựa được tìm thấy ở các đại dương trên thế giới và có tới 90% trong số đó đến từ các nguồn trên đất liền.

Gần 1 triệu người đã ký một bản kiến nghị toàn cầu trong tuần này kêu gọi các chính phủ tham gia Công ước Basel hành động, bằng cách ngăn các nước phương Tây “đổ hàng triệu tấn chất thải nhựa vào các nước đang phát triển thay vì phải tái chế”. Theo ông Von Hernandez, điều phối viên toàn cầu về rác thải nhựa, đây là bước đầu tiên quan trọng đối với việc ngăn chặn sử dụng các nước đang phát triển làm bãi chứa rác thải nhựa của thế giới, đặc biệt là từ các quốc gia giàu có. Ông nói thêm: “Các quốc gia khi nhận được chất thải nhựa hỗn hợp và chưa phân loại từ các nguồn nước ngoài, hiện có quyền từ chối các lô hàng có vấn đề này”.

Tin cùng chuyên mục