Siết chặt kỷ cương trong thu hồi tài sản tham nhũng

Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Chủ trương này nhận được sự đồng tình của dư luận cũng như đặt ra nhiều kỳ vọng trong việc thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt với đòi hỏi cần thực hiện kỷ cương, phép nước nghiêm minh.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, làm việc với TPHCM về phòng chống tham nhũng. Ảnh: Ban Nội chính Trung ương
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, làm việc với TPHCM về phòng chống tham nhũng. Ảnh: Ban Nội chính Trung ương

Hạn chế trong thu hồi tài sản tham nhũng

Hiện nay có thể có những ý kiến khác nhau về công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam. Nhưng phải khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng trở lại đây, đã được Đảng tiến hành một cách mạnh mẽ và thu được những kết quả ấn tượng, được người dân đồng tình, ủng hộ. Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam có xu hướng cải thiện khá tích cực, được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) ghi nhận.

Trong phòng chống tham nhũng, việc thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt, cũng đã được Đảng và Nhà nước đặt ra từ năm 2006 với nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận cụ thể, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Cụ thể, theo báo cáo công tác phòng chống tham nhũng, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát thời gian trước năm 2013, trung bình chỉ đạt 10% trên tổng số phải thu hồi. Giai đoạn 2013-2020, con số này đạt hơn 32%. Riêng kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về tham nhũng theo dõi, chỉ đạo năm 2020, thu hồi bằng 61% tổng số đã thu hồi được từ trước đến nay.

Nhìn vào con số nêu trên cho thấy việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt vẫn còn hạn chế. Việc hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài cũng gặp khó khăn, vướng mắc. Việc triển khai các quy định này trong thực tế chưa được như mong muốn và kỳ vọng của nhân dân bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân không kém phần quan trọng là kỷ cương, phép nước được thực hiện chưa nghiêm.

Để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tích cực góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 04-CT/TW yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp. Một trong những yêu cầu cụ thể là rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong tỏa; sớm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dân sự, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.

Vấn đề trọng tâm

Nhìn lại lịch sử Việt Nam có rất nhiều câu chuyện về việc thực thi phép nước công minh. Luật Gia Long dưới triều Nguyễn có điều khoản quy định ăn cắp của Nhà nước dù nhiều hay ít đều bị chém đầu. Vậy nên mới có chuyện dưới thời trị vì của vua Minh Mạng, một vị quan chỉ lấy trộm 1 lạng vàng trong kho của Nhà nước mà bị chém đầu. Vua Minh Mạng còn gạt tình thâm, ban chỉ dụ tử hình cha vợ của mình.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo, xử lý nhiều vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế lớn với nguyên tắc “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”. Trong đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát đang là vấn đề trọng tâm và cũng là một trong những mục tiêu chính trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Tham nhũng là hiện tượng phổ biến trên thế giới tự cổ chí kim và thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề khó. Trong thời gian gần đây, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng có những chỉ đạo quyết liệt thì tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng được nâng cao hơn. Đặc biệt, vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG là vụ án đạt tỷ lệ thu hồi tài sản kỷ lục (100% tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt được thu hồi). Trong vụ này, ban đầu các bị cáo và người nhà vẫn chưa chịu hoàn trả toàn bộ tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Chỉ đến khi chuẩn bị tuyên án tử hình, bị cáo và người nhà mới nộp lại toàn bộ số tiền hối lộ để được hưởng mức án tù chung thân.

Việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 04-CT/TW đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là lời cảnh tỉnh cho những người có mưu đồ xấu. Đây cũng là một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm”, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt do tham nhũng. Dù vậy, Chỉ thị 04-CT/TW chỉ mới là chủ trương của Đảng, nên vấn đề chính yếu là từ tuyên ngôn mạnh mẽ này của Đảng, các cơ quan nhà nước sẽ cụ thể hóa thành các quy định của pháp luật để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”. Năm 1950, Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu, đã bị Chủ tịch Hồ Chí Minh bác đơn xin ân giảm án tử hình cũng vì tội tham nhũng, nhận hối lộ…

Tin cùng chuyên mục