SEA games 31 sẽ khởi đầu một kỷ nguyên mới

Hôm nay 12-5, SEA Games 31 sẽ chính thức khởi tranh sau gần một năm phải đình hoãn vì những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Khi đài lửa trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình bùng cháy vào tối nay, cũng chính là thời khắc đặc biệt không chỉ riêng với Việt Nam, mà còn với cả nền thể thao Đông Nam Á.

Đã hơn 30 năm kể từ lần đầu tiên tham dự SEA Games (1989), đánh dấu sự hòa nhập của Việt Nam sau ngày thống nhất. Thật tự hào vì trong suốt quãng thời gian đó, thể thao Việt Nam (TTVN) đã tiến nhanh bằng những bước chân Phù Đổng. Từ chỗ chỉ xếp hạng 7/10 quốc gia, đến nay TTVN đã trở thành 1 trong 2 nền thể thao đứng đầu khu vực, cùng với Thái Lan. 

19 năm trước, trong lần đăng cai đầu tiên, TTVN cũng lần đầu xếp vị trí nhất toàn đoàn. Nhưng khác với nhiều nước chủ nhà khác, kể từ đó chúng ta luôn có mặt trong tốp 3 khu vực, rồi dần vươn đến vị trí dẫn đầu. Chính vì vậy, tại kỳ đại hội lần này, TTVN đã nhận được rất nhiều kỳ vọng từ bạn bè trong khu vực, sẽ tạo ra một kỳ SEA Games không chỉ thành công mà còn mở ra một kỷ nguyên mới cho cộng đồng Đông Nam Á trên con đường chinh phục đỉnh cao châu Á và Olympic. 

Điều đó không hề ngẫu nhiên, bởi trong lịch sử đại hội thể thao Đông Nam Á, chưa từng có một quốc gia nào đạt được sự tiến bộ nhanh và ổn định như Việt Nam. Những cường quốc thể thao một thời như Malaysia hay Indonesia hiện đã xếp sau Việt Nam, ngoại trừ những lần họ là nước chủ nhà. Sự phát triển của TTVN gắn liền với sự thịnh vượng của một Việt Nam hùng cường đã hội nhập sâu rộng và ngày càng đóng vai trò quan trọng trên bản đồ khu vực và thế giới. 

Quá trình vươn mình mạnh mẽ ấy chắc chắn để lại nhiều bài học giá trị, tạo tiền đề cho sự thay đổi toàn diện nền thể thao Đông Nam Á trên bình diện quốc tế. Sự thay đổi sẽ bắt nguồn từ việc 2/3 số môn do Việt Nam tổ chức thuộc hệ thống thi đấu chuẩn mực của Olympic, hay từ sự đột phá khi mời đa số trọng tài quốc tế đến để “cầm cân, nảy mực”, không ngoài mục đích tạo nên một đại hội thật công bằng, thật cao thượng.

Ngay thời điểm mà Việt Nam khai hội SEA Games 31 cũng đã rất đặc biệt. Chúng ta từng là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, trong một khu vực bị tác động nặng nề nhất của đại dịch toàn cầu Covid-19. Việc kiên trì giữ quyền tổ chức SEA Games đã là một quyết định rất khó khăn nhưng tạo ra được thành công cho sự kiện, chắc chắn còn khó khăn gấp bội. Từ trước khi lễ khai mạc chính thức diễn ra, bạn bè Đông Nam Á đã bất ngờ trước sự đón nhận nồng nhiệt của người hâm mộ Việt Nam với các sự kiện được tổ chức trải rộng trên 11 tỉnh, thành.

Hình ảnh khán đài sân Thiên Trường (Nam Định) chật kín khán giả xem các trận đấu bóng đá nam của bảng B, những hoạt động lễ hội văn hóa đậm đà truyền thống tại Hà Nội, sự thân thiện của người dân khắp nơi… hầu như xóa hết nỗi ám ảnh của những ngày vất vả chống dịch chỉ mới cách đây chưa lâu. Đó là lời khẳng định về một Việt Nam an toàn, đang mở cửa chào đón bạn bè, du khách. Có lẽ không ở đâu mà hình ảnh về một nhịp sống bình thường mới lại trọn vẹn như tại SEA Games 31 tại Việt Nam.

Còn hơn thế, ngành thể thao Việt Nam cũng đã cam kết, đây là kỳ SEA Games của những giá trị cốt lõi: nhanh hơn - xa hơn - cao hơn - cùng nhau. Với vị thế của 1 trong 2 nền thể thao mạnh nhất khu vực, cách mà Việt Nam tổ chức sự kiện được kỳ vọng sẽ tạo động lực để thể thao Đông Nam Á có chiến lược mới nhằm đưa SEA Games thực sự là đấu trường tạo ra những nhà vô địch của châu Á, Olympic trong tương lai. 

Trong gần 2 thập niên qua, TTVN đã chứng minh, nếu có khao khát và quyết tâm chiến thắng, thì những đỉnh cao tại Olympic hay Asiad đều có thể chinh phục thành công. Những chiến tích trên đấu trường Olympic của các vận động viên Hoàng Xuân Vinh, Trần Hiếu Ngân, Hoàng Anh Tuấn… đều khởi nguồn từ các khoảnh khắc vinh quang tại SEA Games. Đó là điểm khởi đầu của những giấc mơ lớn, và SEA Games 31 ở Việt Nam cũng sẽ là khởi đầu của một hành trình mang theo nhiều tham vọng hơn của thể thao Đông Nam Á. 

Tin cùng chuyên mục