Sẽ có tài liệu để hướng dẫn trẻ mầm non học tại nhà

Trong điều kiện thực tế của năm học chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, cần xem xét thực tế ảnh hưởng của dịch bệnh để tổ chức dạy học ở bậc mầm non linh hoạt, phù hợp. Trường hợp trẻ phải nghỉ học để phòng chống dịch cần thì nhà trường cần phối hợp cùng gia đình để có biện pháp giáo dục hiệu quả.
Giáo dục mầm non cần tăng cường thêm các biện pháp, chính sách phù hợp trong thời gian dịch bệnh
Giáo dục mầm non cần tăng cường thêm các biện pháp, chính sách phù hợp trong thời gian dịch bệnh

Ngày 18-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non (GDMN). Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị. Hội nghị tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại 1.324 điểm cầu với trên 16.000 đại biểu tham dự.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho rằng, trẻ em mầm non phải ở nhà trong thời gian dài, ảnh hưởng đến nề nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi. Ở một số tỉnh, tỷ lệ trẻ em béo phì tăng lên so với năm học trước. Các cơ sở giáo dục, giáo viên cần tiếp tục phối hợp sâu hơn với gia đình của trẻ để khắc phục điều này. Vụ GDMN sẽ phối hợp với vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD-ĐT để có các bài tập luyện, hỗ trợ phụ huynh đồng hành con em mình. Đặc biệt, các cơ sở GDMN cần thực hiện chuyển đổi nhanh và có giải pháp để chủ động thích ứng, ứng phó với việc dạy trẻ trong điều kiện dịch bệnh.

Ý kiến các địa phương cũng nêu thực tế, các cơ sở GDMN ngoài công lập gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí để chi trả cho đội ngũ và các chi phí khác để duy trì hoạt động của trường. Trong khi cơ sở giáo dục của cấp học khác vẫn thu được học phí do tổ chức giảng dạy và học tập trực tuyến, hầu hết các giáo dục mầm non mầm non không thu được học phí do không thể tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non bằng hình thức trực tuyến. Dịch  bệnh dẫn đến nguy cơ giáo viên mầm non chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều đơn vị phải dừng hoạt động và có nguy cơ giải thể.

Một trong nhiệm vụ trọng tâm của GDMN trong năm học mới là đảm bảo an toàn trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay; đồng thời, khắc phục triệt để bạo hành trẻ em trong các cơ sở GDMN. Đảm bảo các điều kiện duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi và tiến tới cho việc phổ cập trẻ em dưới 5 tuổi; giải quyết phòng học tạm, học nhờ, phòng học 2 buổi/ngày; công trình vệ sinh, nguồn nước hợp vệ sinh ở các điểm trường vùng núi, khó khăn… Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên theo định mức; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên nấu ăn, nhân viên y tế; giảm áp lực thời gian và hồ sơ sổ sách cho giáo viên yên tâm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ…

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, GDMN là bậc học có nhiều điểm riêng, đặc thù về chăm sóc và nuôi dạy, do đó cần tăng cường thêm các biện pháp, chính sách phù hợp. 

Sẽ có tài liệu để hướng dẫn trẻ mầm non học tại nhà ảnh 1 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng giao Vụ GDMN tập hợp các video bài giảng, kho học liệu mở trong nước và thế giới; xây dựng, biên soạn nguồn học liệu mới để trong trường hợp các cháu không đến trường, phụ huynh vẫn có nguồn học liệu để hỗ trợ các cháu tại nhà.

Bộ trưởng bày tỏ sự chia sẻ và cảm thông với đội ngũ giáo viên mầm non, bởi đặc thù công việc nặng nhọc, thời gian làm việc dài, áp lực lớn, yêu cầu đòi hỏi cao, trong khi thu nhập lại thấp.

“Phải bằng nhiều cách thức để tháo gỡ việc này, làm sao tăng thu nhập thực tế để giáo viên gắn bó, yên tâm với công việc. Bên cạnh đó, cần tăng hệ thống các trường tư thục, với yêu cầu giáo viên hệ thống trường tư cũng phải có quyền lợi để đảm bảo tốt công việc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng thời, đề nghị các địa phương cần ưu tiên ngân sách cho kiên cố hóa trường học, chủ động có giải pháp khắc phục về thiếu hụt giáo viên, tập trung nguồn lực triển khai chương trình GDMN mới và một số chính sách khác đối với bậc học này.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương quan tâm đến các nhóm trẻ, vì đây là nơi giải quyết được nhu cầu lớn về giữ trẻ nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ về an toàn. “Cần tiếp tục ban hành chính sách đối với hệ thống này, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên về cấp phép, cho phép hoạt động”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu.

Tin cùng chuyên mục