Sẻ chia với người nghèo khó

Chị Phạm Ngọc Dung (ngụ phường 4, quận 8, TPHCM) khiêm tốn chia sẻ: “Tôi không phải là đại gia nên khi tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, tôi chỉ có thể đóng góp, ủng hộ bằng tiền để dành, lương hưu và tấm lòng mong muốn được giúp đỡ những người nghèo khó, bất hạnh”.
Chị Phạm Ngọc Dung (bìa phải) đến thăm, tặng quà, chăm sóc trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật, mồ côi Thị Nghè (TPHCM). Ảnh: MINH THANH
Chị Phạm Ngọc Dung (bìa phải) đến thăm, tặng quà, chăm sóc trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật, mồ côi Thị Nghè (TPHCM). Ảnh: MINH THANH

Không làm ngơ với việc nên làm

Tốt nghiệp Trường Đại học Ngân hàng và Đại học Kinh tế TPHCM, chị Dung về công tác tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Đến năm 2011, chị xin nghỉ hưu trước tuổi để dành thời gian chăm sóc mẹ già bị tai biến. Tất bật chăm sóc mẹ và các con nhỏ, nhưng là một đảng viên (nay đã 29 tuổi Đảng), chị Dung vẫn muốn được góp công, góp sức với cộng đồng. Vậy là chị cố gắng thu xếp việc nhà để có thể tham gia công tác Đảng và đoàn thể ở địa phương, đồng thời tham gia các nhóm thiện nguyện. 

Tính chu đáo, chăm chỉ, chị Dung không bao giờ làm ngơ với những việc chung mà chị thấy cần làm, nên làm. Con đường nội bộ trong khu dân cư không được bảo quản, duy tu kịp thời nên bị ngập nước, ô nhiễm, loang lổ ổ gà, ổ voi. Mãi không thấy ai sửa, chị Dung tự bỏ kinh phí và vận động cư dân đóng góp được 165,5 triệu đồng, cùng chung tay khai thông các miệng cống, sửa chữa đường, giữ vệ sinh và an toàn cho người dân đi lại. Những việc từ thiện chị đã tham gia rất đa dạng và nhiều không kể hết, như giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi; tặng nhà tình thương cho người nghèo; tặng lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân vùng bị phong tỏa trong mùa dịch Covid-19; lo phần ăn, trang bị đồ bảo hộ cho các bác sĩ, bệnh nhân và đội ngũ tham gia chống dịch... 

Trung thu năm nào chị Dung cũng tất bật lo việc tổ chức Tết Trung thu cho các trẻ em khuyết tật, mồ côi và con em hộ nghèo. Năm nay, biết tin Báo SGGP tổ chức “Ngày hội Ước mơ xanh” cho trẻ em ở xã Qui Đức (huyện Bình Chánh, TPHCM), chị đăng ký ủng hộ 200 lồng đèn, nhưng rồi cứ áy náy vì biết vẫn chưa đủ cho tất cả trẻ khó khăn tham dự chương trình. Thấy vợ băn khoăn, chồng chị (anh Đặng Anh Long, công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) ủng hộ thêm 200 lồng đèn nữa cho đủ. Chị Dung tâm sự: “Đến thăm, chia sẻ về mặt tinh thần và vật chất với những cảnh đời khó khăn bất hạnh là niềm vui của tôi. Chồng tôi hiểu lòng vợ nên luôn ủng hộ, và chính anh cũng nhiệt tình góp sức cho các hoạt động thiện nguyện”. 

Tấm lòng nhân ái sáng trong

Đến thăm, tặng quà cho các bệnh nhân tâm thần tại Long An, chị Dung nghe một bệnh nhân nữ dặn rằng lần sau có trở lại, xin cho bà một đôi dép vì đi chân không rất đau. Chị ngạc nhiên hỏi các nhân viên ở đây, mới hay khi có giày dép thì nhiều bệnh nhân hay dùng để ném vào nhau. Chị Dung băn khoăn mãi chuyện này, và rồi nghĩ ra được cách. Chị tìm mua 300 đôi dép xốp loại đế dày, chắc, mà rất nhẹ, quay lại trao tặng các bệnh nhân đang điều trị ở đó. Nhìn họ hân hoan mang dép vào chân, đi lại vui vẻ, chị thấy vui vì mình làm được một việc nhỏ nhưng rất thiết thực. 

Lần khác, đi thăm học sinh, sinh viên khuyết tật ở An Giang, biết được thông tin có 6 cháu hoàn cảnh rất khó khăn, chị Dung tự nguyện gửi tặng học bổng cho 6 cháu. Lần sau trở lại, chị khóc nghẹn ngào khi hay tin một cháu đã mất, cảm giác như mình có phần lỗi vì đã không biết để giúp cháu sớm hơn. Năm sau, chị lại trào nước mắt nhưng trong niềm hạnh phúc khi Châu Giàu, bị khuyết tật liệt hai chân, một trong 6 cháu mà chị đã giúp, nhắn cho chị: “Cháu đã tốt nghiệp thủ khoa ngành công nghệ thông tin Đại học An Giang. Từ nay, cô không còn phải bận lòng với cháu nữa. Cháu chân thành cảm ơn sự động viên quý báu của cô và mong lúc nào đó có thể cùng cô chăm lo cho các em khác”. 

Chị Dung tâm sự: “Vận động nhau mỗi người đóng góp một phần nhỏ, tập hợp lại sẽ thành nguồn quỹ lớn để giúp người bất hạnh có niềm vui và niềm tin vào cuộc sống. Trong việc thực hành thiện nguyện, niềm vui truyền từ người nhận sang người cho và lan tỏa khắp cộng đồng. Dù tương trợ dưới hình thức nào, tôi vẫn dặn lòng phải biết chân thành chia sẻ. Điều đó sẽ làm cho mình cảm thấy hạnh phúc hơn, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Tuyệt vời hơn nữa khi việc hành thiện chính là cách dạy con về lòng tốt và tình yêu thương con người”. 

Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân (cùng ngụ khu phố 4, phường 4, quận 8, TPHCM) cho biết: “Cô Dung được các cư dân ở địa phương quý mến vì nhiều năm qua luôn nhiệt thành tham gia các hoạt động phong trào do quận, phường phát động, chung tay xây dựng khu phố, ân cần chăm lo người nghèo khó với tinh thần trách nhiệm và tấm lòng nhân ái. Cô thường cùng chồng con góp tiền, tặng quà giúp người nghèo, đau bệnh; đã giúp thì giúp hết lòng và vận động mọi người cùng chung tay. Những hoạt động thiện nguyện của cô Dung luôn có nhiều nhà hảo tâm đồng hành”.

Với nhiều hoạt động xã hội thiết thực, chị Phạm Ngọc Dung đã được tặng 3 bằng khen và nhiều giấy khen về thành tích học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện; đóng góp có hiệu quả trong công tác Hội Liên hiệp Phụ nữ; xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước; gương điển hình người tốt việc tốt. Trân trọng giữ các bằng khen, giấy khen, nhưng chị không giữ lại bản báo cáo thành tích nào của mình. Chị cười bảo: “Với những việc nhỏ mình đã làm, tôi vui vì giúp được cho những hoàn cảnh đang khó khăn, vậy là hạnh phúc rồi, còn kể công làm chi”.

Tin cùng chuyên mục