Sẻ chia với người lao động gặp khó mùa dịch

Trong những ngày dịch Covid-19 quay trở lại, nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh trên địa bàn TPHCM phải tạm dừng hoạt động hoặc cắt giảm nhân sự. Nhiều người lao động (NLĐ) rơi vào cảnh thất nghiệp, mất thu nhập, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Chắt bóp chi tiêu

Trước tình trạng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động sản xuất bị đình trệ, nhiều DN, cơ sở kinh doanh đã bắt đầu cho công nhân, NLĐ giãn việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc không lương hoặc cắt giảm lương.

Chị Trần Thị Thương (28 tuổi), nhân viên hệ thống quán karaoke ICOOL chia sẻ: “Tôi vừa mới đi làm trở lại được vài tháng thì nay lại được thông báo quán tạm đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, chưa biết ngày mở cửa. Hiện tại, tôi chỉ ở nhà, không biết làm công việc gì. Toàn bộ số tiền tích cóp cũng chỉ đủ trang trải chi phí trong một tháng tới. Chỉ mong sao dịch sớm qua để người dân như chúng tôi an tâm làm việc”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Phúc Vinh (37 tuổi), làm việc tại một công ty may tại quận Bình Tân, cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch nên việc tăng ca của công nhân trong công ty cũng bị cắt giảm, thu nhập hàng tháng bị giảm sút đáng kể. Vợ tôi có một quán nước nhỏ, mùa dịch này lượng khách giảm hẳn, số tiền bán được chỉ đủ để trả tiền mặt bằng. Hiện tại hai vợ chồng phải chắt bóp chi tiêu, hy vọng vượt qua đợt dịch lần này bình an”.

Sẻ chia với người lao động gặp khó mùa dịch ảnh 1 Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm DVVL TPHCM vào ngày 11-5. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Chiều 11-5, phóng viên có mặt tại văn phòng Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TPHCM để ghi nhận tình hình NLĐ đến đăng ký làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) cũng như tìm kiếm việc làm. Theo quan sát của chúng tôi, có khá đông NLĐ đeo khẩu trang đến làm thủ tục hưởng TCTN, chỉ một số ít có nhu cầu tìm việc làm.

Chị Thân Thị Tú (quê tỉnh Quảng Nam, có thâm niên 7 năm làm công nhân cho Công ty CP Giày da Huê Phong - trụ sở tại quận Gò Vấp) đang điền những thông tin cần thiết vào tờ khai hưởng TCTN, tâm sự: “Dịch Covid-19 hơn 1 năm nay, công ty phải cho hơn 4.000 lao động nghỉ việc, tôi nằm trong số đó. Để có tiền mưu sinh và nuôi con nhỏ, tôi nhận giao hàng thuê, giao thức ăn nhanh... Tôi đang trông chờ vào khoản TCTN này để đắp đổi qua ngày”.

Tiếp sức

Ông Lê Minh Phụng, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Trung tâm DVVL TPHCM, cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, đơn vị tiếp nhận 41.000 hồ sơ xin hưởng TCTN. “Theo quy định, trong vòng 20 ngày kể từ lúc gửi, hồ sơ xin TCTN sẽ được xử lý và thông báo kết quả. Việc nộp hồ sơ hưởng TCTN không nhất thiết phải ở TPHCM mà NLĐ có thể nộp ở địa phương nơi mình sinh sống”, ông Lê Minh Phụng thông tin.

Theo Trung tâm DVVL TPHCM, mức hưởng TCTN cao nhất được ghi nhận trong 4 tháng qua là hơn 22 triệu đồng, số tháng hưởng cao nhất 12 tháng. Số tiền ước chi cho NLĐ hưởng TCTN trong 4 tháng qua do cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả là hơn 1.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Trung tâm DVVL TPHCM phân tích, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên có thể nhiều NLĐ về quê, đăng ký nhận hỗ trợ tại địa phương. Còn thông thường mọi năm, số người đăng ký nhận TCTN sẽ tăng cao vào quý 2, quý 3.

Trong nỗ lực hỗ trợ công nhân, NLĐ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM vừa có văn bản gửi LĐLĐ TP Thủ Đức, các quận, huyện, công đoàn ngành, sở, khối, tổng công ty và cấp trên tương đương về chương trình bồi dưỡng kỹ năng nghề “Cao Thắng vì cộng đồng”.

Theo đó, Chương trình “Cao Thắng vì cộng đồng” do Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng phối hợp các đối tác thực hiện, nhằm hỗ trợ cho NLĐ bị mất việc hoặc giảm giờ làm việc do dịch Covid-19. Đối tượng ưu tiên là nữ giới, người khuyết tật và người thuộc các dân tộc thiểu số. Họ sẽ được học nghề miễn phí từ nay đến hết tháng 6-2021.

Các cấp công đoàn thành phố cũng đề xuất vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng trọ cho công nhân lao động. Tại quận Gò Vấp, cán bộ LĐLĐ quận đã đến gặp từng chủ nhà trọ, trước hết là các đảng viên có nhà trọ cho thuê, vận động giảm giá thuê phòng trọ để làm gương cho các gia đình khác. Ngay đầu tháng 5, nhiều chủ nhà trên địa bàn quận đã bắt đầu chia sẻ, giảm giá thuê trọ.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiền (60 tuổi), ngụ đường Thống Nhất (phường 16, quận Gò Vấp) tâm sự: “Dãy trọ tôi chủ yếu là lao động tự do, sinh viên làm thêm tại các quán nhậu, nhà hàng, quán karaoke... Để phòng chống dịch, các nhà hàng đã đóng cửa. Nhìn thấy các cháu phải nghỉ việc giữa chừng, cuộc sống khó khăn, tôi đồng ý giảm giá thuê 20% trong vòng hai tháng, còn tặng kèm gạo và mì gói cho các em”.

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM, cho biết, trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đời sống, việc làm của công nhân, NLĐ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nên các cấp công đoàn thành phố sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, công nhân lao động khó khăn, bệnh hiểm nghèo, bị mất việc, ngừng việc, giới thiệu việc làm cho NLĐ bị mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng rất mong cộng đồng doanh nghiệp, mạnh thường quân, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp khác cùng chung tay chia sẻ với NLĐ.

Tin cùng chuyên mục