Sẻ chia cuối năm

Dọn dẹp lại nhà cửa và tặng bớt số quần cũ, chị Lê Thị Thảo (27 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) kể: “Tôi đọc tin trên mạng xã hội, thấy người ta có nhận quần áo cũ nên tôi đăng ký gửi tặng. Nào ngờ họ đến tận nhà thu gom, tiện lợi cho mình mà lại có thêm một hành động đẹp cho xã hội”.
Nhóm bạn trẻ chuẩn bị những phần xôi mặn để phát vào buổi tối
Nhóm bạn trẻ chuẩn bị những phần xôi mặn để phát vào buổi tối

Tranh thủ những ngày cuối năm, khi lịch học đã trống và nhiều gia đình dọn dẹp bớt quần áo cũ, bạn Nguyễn Thanh Hằng (22 tuổi, sinh viên Đại học Sư phạm TPHCM) cùng nhóm bạn đến tận nhà những người có nhu cầu cho bớt đồ cũ để thu gom. Những túi quần áo cũ trao đi, các bạn trẻ này cũng không quên tặng lại những phần quà nhỏ như: sổ tay, ví đựng điện thoại, móc khóa… như một món quà nhỏ để tri ân tấm lòng của người cho. 

“Áo quần cũ mọi người thường gom thành một thùng hoặc một túi lớn để cho, nên tụi mình nhận xong phải phân loại. Những cái nào quá cũ hay không phù hợp như đồ bơi, đầm váy quá ngắn thì tụi mình loại ra. Đồ được đem giặt sạch một lần nữa rồi mới mang đi tặng, để người nhận có thể mặc liền mà không cần phải lo chuyện vệ sinh”, Hằng kể lại.

Những túi đồ sạch sẽ, phân loại và sắp xếp gọn gàng bắt đầu được gửi đi, càng những ngày cuối năm, các bạn trẻ càng hăng hái hơn để kịp đến tay người nhận. “Tụi mình chia thành nhiều túi đồ, một phần đến những điểm nhận quần áo không đồng, một phần gửi đến các nhóm thiện nguyện có nhu cầu nhận quần áo cũ. Và nhóm cũng chọn ra những bộ quần áo ấm, dài tay, để gửi tặng cho những nhóm thiện nguyện vùng cao, Nguyễn Thành Ơn (23 tuổi, sinh viên Đại học Sư phạm TPHCM) cho biết thêm.

Tranh thủ vừa tan học buổi chiều, Công Trí (21 tuổi, sinh viên Đại học Bách Khoa TPHCM) ghé lại quán cơm 2.000 đồng trên đường Ngô Quyền, quận 10, để phụ làm những hộp xôi, ổ bánh mì. Trí cho hay: “Ngày thường, lúc nào rảnh, em đến quán để phụ cơm trưa, nhưng cuối năm, quán có phát thêm xôi mặn hoặc bánh mì thịt vào buổi tối nên học xong buổi chiều, em tranh thủ ghé đây phụ luôn. Tiếp lời Trí, Thu Mai (22 tuổi, sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM) chia sẻ: “Phụ cơm trưa thì chỉ ở quán thôi, còn phát xôi với bánh mì phải chia thành nhiều nhóm, đi các con đường trong thành phố. Có bữa, tụi em đem tới ổ bánh mì, nhiều cô chú nhận xong, cảm động khóc luôn, ai cũng lo tranh thủ buôn bán rồi dành dụm tiền lo tết, chứ không dám mua cái gì để ăn thêm cữ khuya”.

Thời điểm cuối năm, lướt qua các hội nhóm thiện nguyện trên mạng xã hội, sự sẻ chia dường như tăng gấp bội ngày thường. Tinh thần chung tay vì cộng đồng của những người trẻ ngày càng lan tỏa nhiều hơn, nhất là những dịp tết đến xuân về.

Tin cùng chuyên mục