Sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án metro Bến Thành - Suối Tiên

Việc hoàn thành tất cả 13 chỉ tiêu vĩ mô cơ bản trong năm 2017 được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đánh giá cao tại phiên thảo luận tổ sáng 24-10 về các báo cáo kinh tế - xã hội và tình hình thực hiện kế hoạch ngân sách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến ĐBQH lưu ý rằng những yếu tố tạo nên tăng trưởng vẫn chưa bền vững, thậm chí còn tiềm ẩn không ít rủi ro.  
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ 
Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt vẫn chưa cao, trong khi các chính sách nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp và đặc biệt là hỗ trợ kinh tế tư nhân vẫn chưa rõ nét.
“Vốn hóa thị trường chứng khoán hiện nay lên tới 93% GDP, trong đó có một tỷ lệ lớn vốn của nhà đầu tư nước ngoài, nếu thấy tình hình không thuận lợi họ rút vốn là chúng ta khó khăn. Dự trữ ngoại hối đúng là tăng, nhưng vấn đề là phải chia cho số nhập khẩu xem đảm bảo được bao nhiêu tuần nhập khẩu, nếu tính thế thì cũng chưa chắc là cao kỷ lục như chúng ta nghĩ”, ĐBQH Ngân khuyến cáo.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân

Trên cơ sở phân tích các “đòn bẩy tăng trưởng”, ĐBQH Trần Anh Tuấn lưu ý, trong 9 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu và phụ thuộc khá lớn vào khối doanh nghiệp FDI, nhưng khối này nhập nguyên vật liệu rất lớn, do đó giá trị gia tăng thực tế mà Việt Nam được hưởng là không lớn.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đồng ý: “GDP cao, nhưng GNI (thu nhập quốc dân - PV) giảm. Quý tới có khả năng không đạt tốc độ tăng trưởng kỳ vọng, do ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt. Vấn đề chính không phải 6,5% hay 6,7%. Tăng trưởng thấp hơn một chút, nhưng tạo tiền đề để phát triển bền vững trong dài hạn thì vẫn tốt”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cũng bày tỏ quan ngại về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng mà ông cho là “quá cao, quá nhanh so với khả năng hấp thụ”, tiềm ẩn rủi ro tạo ra nợ xấu. “Tín dụng chảy vào bất động sản, mà là đầu cơ, chứ không phải để ở rất cao, như thế là rủi ro”, ông nói.
Về tài chính - ngân sách, theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, đáng lưu ý là mức thu thuế và phí của ta vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực, có xu hướng trở thành gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp. Ông Nghĩa phân tích: “Năm 2010 có 2/3 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập, nghĩa là họ làm ăn có lời; con số này nay chỉ còn 1/3. Nghĩa là 2/3 còn lại huề vốn hoặc lỗ. Cho nên nếu xác định không đúng mà cứ tăng thuế thì làm kiệt sức dân”.

Công tác điều hành ngân sách vẫn chưa linh hoạt, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn là một nhận xét được nhiều ĐBQH nêu ra tại phiên họp.

ĐBQH Trần Anh Tuấn phản ánh: “Nhiều dự án trọng điểm đang thiếu vốn, trong khi có những dự án có tiền mà không tiêu được. Như dự án metro Bến Thành - Suối Tiên tại TPHCM đang triển khai, rất cần vốn, sao ta không linh hoạt điều chuyển từ dự án khác chưa dùng tới để không ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư”?

Phát biểu lần thứ hai, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cũng bức xúc về dự án metro Bến Thành - Suối Tiên và coi đây là một ví dụ cho thấy các bộ ngành chưa có sự phối hợp tốt trong chuẩn bị nguồn vốn và phân bổ vốn đầu tư. Ông cho biết “sẽ phát biểu và chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án này”.
Sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án metro Bến Thành - Suối Tiên ảnh 4 Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua sông Sài Gòn. Ảnh: THÀNH TRÍ
ĐBQH Phạm Phú Quốc cũng nhận xét “Vốn vay từ Chính phủ thì đụng trần nợ công, vốn vay của địa phương thì đụng trần huy động. TPHCM đang tính xin cơ chế cho phép nhà đầu tư tự vay tự trả nguồn ODA, TP bảo lãnh bằng ngân sách địa phương. Có lẽ đây là giải pháp khả thi hơn cả”.

Tin cùng chuyên mục