Sau phản ánh “Hàng hóa quá cảnh bị hải quan kiểm tra, phát sinh chi phí”: Hải quan TPHCM mời các doanh nghiệp đối thoại

Cục Hải quan TPHCM đã gởi thư mời các doanh nghiệp tham gia đối thoại để kịp thời trao đổi, thống nhất tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình kiểm tra thực tế hàng quá cảnh vận chuyển bằng phương tiện đường thuỷ sau khi báo SGGP đăng tin phản ánh.

Sau khi báo SGGP đăng thông tin các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng quá cảnh tuyến Việt Nam – Campuchia phản ánh việc kiểm tra thực tế hàng quá cảnh vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa tại Hải quan Khu vực I (Cục Hải quan TPHCM) vi phạm nghiêm trọng Điều ước quốc tế về Hiệp định vận tải thủy và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải, Cục Hải quan TPHCM đã gởi thư mời các doanh nghiệp tham gia đối thoại để kịp thời trao đổi, thống nhất tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình kiểm tra thực tế hàng quá cảnh vận chuyển bằng phương tiện đường thuỷ.

Sau phản ánh “Hàng hóa quá cảnh bị hải quan kiểm tra, phát sinh chi phí”: Hải quan TPHCM mời các doanh nghiệp đối thoại ảnh 1

Trước đó, báo SGGP đã đăng đơn các doanh nghiệp phản ánh, việc kiểm tra thực tế một container trong một tờ khai nhưng lại giữ lại toàn bộ các container trong cùng tờ khai đó dẫn đến mỗi container bị kiểm hóa kéo theo từ 30-50 container khác cùng vận đơn và tờ khai bị giữ lại đến khi hoàn thành việc kiểm hóa. 

Thời gian từ lúc container bị tạm ngừng thông quan đến lúc hoàn thành kiểm hóa kéo dài trung bình từ 15 đến 45 ngày. Nhân viên hải quan khi kiểm tra thường xuyên yêu cầu dỡ hàng ra khỏi container mặc dù hàng hóa đồng nhất có thể nhìn thấy hàng hóa, không ra ngay biên bản sau khi kiểm hóa xong, kéo dài thời gian hoàn thành giấy tờ hành chính để thông quan cho lô hàng, phát sinh chi phí kiểm hóa, lưu container, lưu bãi, chưa kể kiểm hóa thành nhiều lần khiến khách hàng, đối tác bất bình.

Theo các doanh nghiệp, tại điều 3 Hiệp định quá cảnh hàng hóa có nêu, hàng hóa quá cảnh được hai bên ký kết miễn kiểm tra hải quan tại cửa khẩu, miễn áp tải trên lãnh thổ của nước cho quá cảnh. Việc kiểm tra hàng hóa quá cảnh chỉ áp dụng trong trường hợp cơ quan hải quan nghi ngờ rằng hàng hóa quá cảnh có nguy cơ cao trong việc vi phạm các điều khoản của hiệp định này hoặc các quy định pháp luật về hải quan.

Ngoài ra, tại điều 16 Hiệp định vận tải thủy có nêu việc kiểm tra theo các luật và quy định sẽ được thực hiện nhưng không được gây cản trở một cách không cần thiết việc thực hiện tự do giao thông thủy... việc đi lại của tàu vận tải quá cảnh sẽ được coi là tàu thực hiện hành trình hàng hải. Ngoại trừ những loại hàng như vũ khí, đạn dược, chất nổ, chất phóng xạ, chất gây nghiện, chất kích thích, động vật quý hiếm và động vật có nguy cơ tuyệt chủng, thì không cần bất kỳ giấy phép quá cảnh, xuất nhập khẩu của các cơ quan có thẩm quyền của nước quá cảnh cho việc vận tải quá cảnh các loại hàng.

Các doanh nghiệp kiến nghị, không áp dụng khai báo chi tiết hàng hóa quá cảnh, đảm bảo hàng hóa được lưu thông thuận lợi phù hợp với các hiệp định giữa hai đất nước. Áp dụng việc khai báo hàng container quá cảnh của người vận chuyển bằng đường thủy nội địa tương tự như các hãng vận chuyển hàng hải đang thực hiện. Xây dựng hướng dẫn riêng rõ ràng, thống nhất về việc kiểm tra, giám sát hàng quá cảnh Việt Nam – Campuchia nhằm phù hợp với các quy ước, hiệp định quốc tế và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. 

Khi cơ quan hải quan quyết định kiểm tra thực tế hàng hóa trong 1 container, thì giải phóng ngay các container còn lại thuộc tờ khai bị kiểm hóa để tiếp tục vận chuyển. Chỉ kiểm tra thực tế khi thực sự cần thiết, đảm bảo tuân thủ điều khoản của hiệp định. Nhờ đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục với hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường thủy để thu hút thêm hàng hóa thông qua các cảng TPHCM.

Tin cùng chuyên mục