Sau gói hỗ trợ vẫn cần tiếp tục chăm lo cho đời sống người dân

Chiều 14-7, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM dẫn đầu đoàn làm việc với huyện Củ Chi về tình hình công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ làm việc với huyện Củ Chi về công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: LONG HỒ
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ làm việc với huyện Củ Chi về công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: LONG HỒ

Tại huyện Củ Chi, báo cáo trước đoàn làm việc, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Thị Thanh Hiền cho biết, từ 15 giờ ngày 13-7 đến 6 giờ sáng nay (14-7), huyện ghi nhận 9 trường hợp dương tính với Covid-19, ngoài ra có 14 trường hợp qua test nhanh cho kết quả dương tính, đang điều tra dịch tễ. Như vậy từ 29-4 đến nay huyện đã ghi nhận 422 trường hợp F0 có địa chỉ tại huyện. 

Địa bàn huyện có 4 khu công nghiệp (KCN), trong đó KCN Tân Phú Trung mỗi ngày phát hiện khoảng từ 3-12 ca. Từ chuỗi lây nhiễm này ảnh hưởng đến các khu khác và các doanh nghiệp ngoài KCN. 

Huyện có 5 điểm cách ly đang hoạt động, trong đó có 1 khách sạn và 4 trường học, còn trống 140 giường. Để chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống số ca mắc tăng lên, Củ Chi đã có kế hoạch thành lập khu cách ly 549 giường (giai đoạn 1) và 1.178 giường (giai đoạn 2). Ngoài ra, các xã, thị trấn khảo sát chọn địa điểm phù hợp thành lập khu cách ly có sức chứa 100 giường/xã, thị trấn.

Bên cạnh công tác phòng chống dịch, đến nay các xã thị trấn của huyện Củ Chi cũng đã chi hỗ trợ 100% cho các đối tượng theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM, gồm các lao động tự do, hộ kinh doanh, thương nhân chợ truyền thống với hơn 9.900 người, số tiền hơn 14,8 tỷ đồng.

Huyện đề xuất với TPHCM tăng cường số mẫu xét nghiệm cho huyện, tăng cường 100-200 sinh viên y về hỗ trợ huyện lấy mẫu để nhanh chóng truy tìm F0, không để lỡ thời gian vàng khi TPHCM đang áp dụng Chỉ thị 16.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Lê Hồng Nam, khi thực hiện Chỉ thị 16 thì chỉ còn lại hai nơi có nguy cơ lây nhiễm lớn nhất là các chợ đầu mối và các KCN, KCX, KCNC (gọi chung là KCN). Hiện các chợ đầu mối đã đóng cửa, chỉ còn lại các KCN cần đặc biệt chú trọng công tác phòng chống dịch.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Lệ ghi nhận sự nỗ lực, quyết liệt của huyện Củ Chi trong công tác phòng chống dịch, triển khai nghiêm túc Chỉ thị 16 trên địa bàn.

Đồng chí cũng đặc biệt lưu ý về công tác phối hợp giữa Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của huyện với các sở ngành của TPHCM. Trong đó, Ban Quản lý KCX, KCN TP cần rút kinh nghiệm phối hợp, cùng huyện kiểm tra, giám sát các điều kiện an toàn của doanh nghiệp. Đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý KCN Tây Bắc, KCN Tân Phú Trung phải có trách nhiệm hơn trong công tác phòng chống dịch. Đồng chí chỉ đạo ngay ngày mai (15-7) cần khảo sát, đánh giá ngay. Nơi nào đảm bảo điều kiện an toàn mới được tiếp tục sản xuất, còn không thì phải tạm dừng hoạt động theo đúng tinh thần chỉ đạo của TPHCM.

Đồng chí yêu cầu huyện Củ Chi phát huy những kết quả đạt được trong công tác phòng chống dịch thời gian qua, trong đó cần đặc biệt phát huy vai trò của người dân, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, để người dân thực hiện nghiêm 5K, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Bên cạnh đó là tập trung cho công tác truy vết, xét nghiệm, thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh” trên bản đồ các khu vực có ca mắc Covid-19. Với các doanh nghiệp, xí nghiệp ngoài KCN cũng cần kiểm tra chặt chẽ.

Với huyện Củ Chi, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị huyện chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, trang bị cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, chăm lo cho đời sống người dân. Dù đã thực hiện chi trả 100% theo Nghị quyết 09, nhưng đồng chí cho rằng Củ Chi cũng cần tiếp tục nắm bắt bởi trong điều kiện dịch bệnh kéo dài như hiện nay, chắc chắn người dân vẫn gặp khó khăn.

Cuối buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đã đi kiểm tra tại Khu cách ly tế tập trung ở xã Trung Lập Thượng - là nơi huyện chuẩn bị để đón các trường hợp F1 không đủ điều kiện cách ly tại nhà; và điểm cách ly y tế tập trung ở xã Tân An Hội.

Tin cùng chuyên mục