Sau đại dịch Covid-19, quy hoạch TPHCM sẽ như thế nào?

Đại dịch Covid-19 xảy ra, TPHCM trải qua nhiều thử thách, khó khăn trong việc vận hành một “siêu đô thị”. Trong bối cảnh thành phố triển khai thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, vấn đề đặt ra là công tác quy hoạch của thành phố sẽ phải thay đổi như thế nào để thích ứng với những biến động của thực tế? PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TPHCM, về nội dung này.
Đô thị TPHCM phát triển ngày càng hiện đại. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đô thị TPHCM phát triển ngày càng hiện đại. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Quy hoạch theo phân khu

PHÓNG VIÊN: Tại TPHCM, khi dịch xảy ra đã cho thấy cấu trúc đô thị của thành phố có nhiều bất cập. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?

Ông NGUYỄN THANH NHÃ: Cấu trúc đô thị của TPHCM đã hình thành từ lâu, trải qua nhiều thời kỳ và đến nay vẫn tiếp tục phát triển ổn định. Trong thời gian vừa qua, có thể thấy nhiều định hướng phát triển về cấu trúc của thành phố vẫn phù hợp, ví dụ việc di dời các khu công nghiệp ô nhiễm ra bên ngoài, giãn dân, cải tạo chỉnh trang đô thị các khu nhà ở ven và trên kênh rạch, nhà lụp xụp; phát triển đa trung tâm... Khi dịch bệnh xảy ra, những định hướng trên đã giúp cải thiện môi trường sinh sống cho người dân, tạo thuận lợi cho việc khoanh vùng, khống chế dịch bệnh. Sắp tới, việc quy hoạch sẽ tiếp tục kế thừa và bổ sung cấu trúc đô thị thành phố hoàn chỉnh hơn. 

Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Nguyễn Thanh Nhã
Điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 là cơ hội để sắp xếp lại đô thị, cụ thể là những khu nhà lụp xụp, nhà trên và ven kênh rạch… Dưới góc nhìn quy hoạch, thành phố sẽ thực hiện vấn đề này như thế nào?

Đối với vấn đề nhà lụp xụp hoặc nhà ven kênh rạch, để sắp xếp lại, vấn đề lớn nhất là điều chỉnh quy mô dân số, cân đối các chỉ tiêu quy hoạch để phân bổ vào các phân khu cho phù hợp nhằm tạo động lực cải tạo, chỉnh trang các khu vực này. Bên cạnh đó sẽ xác định lại phân khu đô thị theo tính chất, đặc trưng của đô thị mà không phụ thuộc nhiều vào ranh giới hành chính như các đồ án quy hoạch trước. 

Trước đây, việc lập các đồ án quy hoạch theo ranh hành chính đã dẫn đến nhiều bất cập trong phát triển đô thị. Ví dụ như việc phân bổ chỉ tiêu cây xanh, công trình công cộng được chia đều cho quận 3 và quận 1. Trong khi đó, tại quận 3 không có nhiều diện tích cây xanh, mà đất để phát triển thêm gần như không có, còn ở quận 1 thì có nhiều công viên lớn nhưng không được phân bổ thêm chỉ tiêu này. Hậu quả là khó triển khai thực hiện các dự án phát triển đô thị ở đây. Hoặc trước đây, các khu nhà ở dọc theo kênh rạch trải dài nhiều quận sẽ nằm trong nhiều đồ án quy hoạch khác nhau, dẫn đến tình trạng quy hoạch không đồng bộ giữa các quận, huyện. Hiện nay chuyển qua  quy hoạch theo phân khu bằng cách khoanh vùng các khu vực có cùng tính chất, đặc trưng đô thị để có giải pháp về mặt quy hoạch đồng bộ. Việc này sẽ giúp quy hoạch khả thi trong quá trình thực hiện. 

Quy hoạch chung TPHCM đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng phát triển chung của thành phố, là cơ sở pháp lý để lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu, từ đó giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc hay đáp ứng yêu cầu từ thực tế, giúp tăng hiệu quả đầu tư như điều chỉnh chức năng, ranh dự án, quy mô dân số đối với các dự án trên địa bàn TP Thủ Đức cũng như các quận, huyện khác. Với tính chất quan trọng như vậy, việc điều chỉnh quy hoạch chung lần này sẽ đóng vai trò quan trọng trong giải phóng nguồn lực xã hội, thúc đẩy thành phố phát triển.

Việc sắp xếp các phân khu sẽ được tính toán kết hợp với quy hoạch hệ thống giao thông công cộng để phân bổ các chức năng sử dụng đất cho phù hợp. Khu phát triển mới sẽ chia sẻ, tạo nguồn lực để cải tạo chỉnh trang các khu vực hiện hữu còn chưa đảm bảo về an toàn, chưa đảm bảo chỉ tiêu sử dụng đất cho hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Cách làm này sẽ mở ra cơ hội để sắp xếp lại đô thị TPHCM.

TPHCM là một trong những đô thị được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Việc thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 sẽ tính toán như thế nào với những việc như vậy?

Một trong các mục tiêu của điều chỉnh quy hoạch lần này là “để đáp ứng yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện khả thi thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong đô thị như dân số, hạ tầng giao thông, biến đổi khí hậu…”. Như vậy, trong quá trình điều chỉnh đã đưa vào tính toán các kịch bản biến đổi khí hậu, xem xét tích hợp các quy hoạch ngành, quy hoạch giao thông, chống ngập gắn với mô hình phát triển các không gian đô thị cho các phân khu đô thị đồng bộ. 

Sau đại dịch Covid-19, quy hoạch TPHCM sẽ như thế nào? ảnh 2 TPHCM điều chỉnh quy hoạch chung, hướng tới sự đồng bộ phát triển mới 
và chỉnh trang đô thị
Trước đây, một số quy hoạch ngành chưa đồng bộ, ví dụ quy hoạch chống ngập chưa đáp ứng được yêu cầu, điều kiện hiện nay hoặc quy hoạch giao thông chưa xem xét sự ảnh hưởng đến việc thoát nước của một số khu vực…; thì lần này sẽ xem xét giải quyết đồng bộ tất cả vấn đề một cách toàn diện, tổng thể hơn. Những vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cụ thể trong Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM. Quan điểm của Chính phủ và TPHCM rất rõ: phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới sự đồng bộ phát triển mới và chỉnh trang đô thị.

Làm quy hoạch tốt để phát huy nguồn lực từ đất

Sắp tới, thành phố sẽ xây dựng hàng loạt dự án nhà ở xã hội (NƠXH). Bên cạnh những dự án đã sẵn có, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố nên triển khai xây dựng NƠXH tại những khu vực đã có quy hoạch đại đô thị như Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, Khu đô thị cảng Hiệp Phước…?

Đúng vậy! Việc xây dựng NƠXH khi đáp ứng đúng yêu cầu, đúng đối tượng sẽ tạo ra hiệu quả về mặt xã hội. Làm như vậy, thành phố không chỉ thành công trong việc giãn dân, bố trí dân cư hợp lý, khoa học mà còn tạo được giá trị gia tăng của những khu đất đó. Muốn vậy, một trong các điều kiện là gắn với quy hoạch để đạt được hiệu quả cao nhất. Ví dụ, ở gần các khu công nghiệp thì đối tượng phục vụ sẽ là công nhân, những khu NƠXH gần khu hành chính sẽ dành cho cán bộ, công nhân viên chức. Việc xây dựng những khu NƠXH có đầy đủ hạ tầng như công viên - cây xanh, kết nối hệ thống giao thông, trường học, bệnh viện… không chỉ thể hiện được sự chăm lo an sinh xã hội của thành phố mà còn đem đến bộ mặt đô thị hiện đại. 

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, quy hoạch là “con gà đẻ trứng vàng”. Dưới góc nhìn quy hoạch, thành phố sẽ bắt đầu từ đâu?

Thực chất, việc quy hoạch đã và đang tiếp diễn, chứ không phải bắt đầu. Việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố lần này bao gồm cả bước đánh giá quá trình triển khai thực hiện quy hoạch trước đây, những vấn đề nào chưa hợp lý sẽ điều chỉnh lại. Do đó, việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố sẽ là cơ sở pháp lý để tháo gỡ hàng loạt vướng mắc đang tồn tại. Ví dụ, TP Thủ Đức muốn phát triển đô thị xung quanh các nhà ga metro thì phải điều chỉnh quy hoạch. Sẽ có những chỉ tiêu phải được điều chỉnh ở đồ án quy hoạch chung, khi quy hoạch chung được duyệt mới có đầy đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh các đồ án quy hoạch cấp dưới. Bằng công cụ quy hoạch phù hợp, TPHCM có thể thu được tiền cho ngân sách khi bán đấu giá đất trong các dự án mở rộng đường, hình thành khu dân cư mới… Nguồn thu từ đất sẽ góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn sau đại dịch.

Thành phố Thủ Đức: Tăng dân số, hệ số sử dụng đất

Hiện tại, dân số TP Thủ Đức là 1.013.759 người. Theo Nhiệm vụ quy hoạch chung của TP Thủ Đức đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1538 ngày 16-9-2021, dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên 1,5 triệu người, năm 2040 đạt khoảng 2,2 triệu người và đến năm 2040 là 3 triệu người. Các tiêu chí phát triển đô thị như sau: từng bước nâng cao chất lượng các khu vực chức năng hiện hữu là động lực phát triển của đô thị như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Đại học Quốc gia TPHCM, Khu công nghệ cao, cảng Cát Lái; đồng thời hình thành các trung tâm là động lực phát triển mới của đô thị để đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính và thương mại - dịch vụ…

Phát triển đô thị tích hợp với hệ thống giao thông công cộng (TOD), kể cả giao thông ngầm công cộng và không gian đô thị ngầm xung quanh, gắn kết giữa giao thông công cộng với sử dụng đất để khai thác hiệu quả đất đai, mở rộng không gian phát triển đô thị, khu chức năng. Với tầm vóc này, quy hoạch TP Thủ Đức sẽ tăng quy mô dân số và hệ số sử dụng đất.

Tin cùng chuyên mục