Sạt lở bờ sông Hậu diễn biến ngày càng phức tạp

Thời gian qua, đôi bờ sông Hậu liên tục ghi nhận nhiều "điểm nóng" sạt lở, đáng lo ngại là hiện tượng trên đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Một đoạn đê bao trên địa bàn huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng bị sạt lở vào tháng 5-2022

Báo cáo từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã ghi nhận 11 đoạn bị sạt lở bờ bao, đường lộ nông thôn với chiều dài trên 470m. Hiện vẫn còn 7 đoạn, chiều dài trên 370m chưa được khắc phục do khó khăn trong việc bố trí được nguồn vốn.

Là địa phương nằm ven sông Hậu, kèm theo hệ thống kênh, rạch chằng chịt, huyện Kế Sách luôn trong tình trạng bị sạt lở đe dọa. Tiêu biểu, trong năm 2021, địa phương này đã xảy ra 54 điểm sạt lở bờ bao, đường nông thôn với chiều dài hơn 1.500m, khiến nhiều nhà dân, diện tích hoa màu, cây ăn trái, ao nuôi thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại.

Nằm giữa sông Hậu, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) cũng đang phải dành nhiều nguồn lực để ứng phó với tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp.

Theo đó, vào cuối tháng 4-2022, UBND tỉnh Sóc Trăng đã phải có quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, đặc biệt là khu vực sạt lở bờ sông Hậu thuộc địa bàn xã An Thạnh Đông và xã Đại Ân 1.

Dự kiến, ngày 18-6, HĐND tỉnh Sóc Trăng sẽ triệu tập kỳ họp thứ 7 (chuyên đề) để xem xét tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư nhiều dự án gia cố sạt lở đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn.

Sạt lở bờ sông Hậu diễn biến ngày càng phức tạp ảnh 2 Tình hình sạt lở được dự báo sẽ nghiêm trọng hơn khi ĐBSCL bước vào mùa mưa

Không chỉ có địa phương ở hạ nguồn sông Hậu bị đe dọa bởi sạt lở, các địa phương như: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ… có dòng sông Hậu đi qua cũng đang phải “căng mình” ứng phó với loại hình thiên tai này. Đặc biệt, do tập quán sinh sống, canh tác, nuôi trồng thủy sản ven sông Hậu, vô tình khiến tình trạng sạt lở rất dễ tác động, gây thiệt hại cho tính mạng và tài sản của người dân.

Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cảnh báo: Những năm gần đây, tình hình thiên tai sạt lở bờ sông, bờ kênh, nhất là tại các khu vực ven sông Hậu đã gây thiệt hại nặng nề hệ thống đường giao thông nông thôn, nhà cửa, cơ sở hạ tầng công cộng... Sạt lở cũng xuất hiện ngày càng thường xuyên, diễn biến phức tạp và khó lường hơn.

Đặc biệt, thời gian tới là vào cao điểm của những tháng mưa, lũ, triều cường dâng cao… sẽ khiến tình trạng sạt lở tại vùng ĐBSCL càng phức tạp, nguy hiểm.

Tin cùng chuyên mục