Sát hạch định kỳ để nâng chất cán bộ

Quận 10 là địa phương đầu tiên ở TPHCM tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực công chức, để có căn cứ thực hiện công tác cán bộ được chính xác hơn. Một ý nghĩa quan trọng khác của việc sát hạch định kỳ này còn thúc đẩy cán bộ, công chức nỗ lực, phấn đấu hơn trong công việc.
Các công chức của quận 10 dự thi kiểm tra năng lực bằng hình thức trắc nghiệm trên máy tính. Ảnh: ÁI CHÂN
Các công chức của quận 10 dự thi kiểm tra năng lực bằng hình thức trắc nghiệm trên máy tính. Ảnh: ÁI CHÂN

Nhận diện cán bộ nổi trội, hạn chế

UBND quận 10, TPHCM vừa tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực công chức năm 2020 đối với 219 công chức của quận và 15 phường. Đây là năm đầu tiên quận 10 tổ chức kỳ thi này. Theo ông Vũ Anh Khoa, Chủ tịch UBND quận 10, hàng năm mỗi cơ quan, đơn vị ở quận đều tự tổ chức đánh giá công chức tại cơ quan, đơn vị của mình. Năm nay, bên cạnh sự tự đánh giá đó, UBND quận 10 còn tổ chức kỳ kiểm tra năng lực.

Bộ đề do quận 10 xây dựng, câu hỏi phù hợp với từng lĩnh vực chuyên ngành công tác của các nhóm công chức. Trong vòng 50 phút, mỗi thí sinh phải hoàn thành phần trả lời với 50 câu hỏi về công tác Đảng, công tác chính trị (15 câu), kiến thức chung (15 câu) và kiến thức chuyên ngành (20 câu). Mỗi câu trả lời đúng, thí sinh được 2 điểm. Những công chức có kết quả dưới 50 điểm thì năm 2020 sẽ không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. “Kết quả của kỳ thi là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá thêm về năng lực, nhận thức, trình độ công chức của quận. Qua kỳ thi, mỗi công chức cũng tự đánh giá lại để thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và trình độ của mình”, Chủ tịch UBND quận 10 chia sẻ.

Hiện nay, quận cũng có kế hoạch chuẩn hóa trình độ viên chức khối giáo dục - đào tạo và khối còn lại ở các đơn vị sự nghiệp khác. Dự kiến tháng 12-2020, quận 10 tổ chức hội thi cán bộ quản lý giáo dục của quận. Hội thi dự kiến được tổ chức 2 năm/lần, thành phần dự thi là phó hiệu trưởng hoặc những người được quy hoạch chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của các trường. Qua đó, quận tìm kiếm những nhân tố nổi trội để có thêm cơ sở để xem xét, đánh giá khi quy hoạch, đề bạt cán bộ.

Ông Vũ Anh Khoa khẳng định, kỳ thi sẽ giúp công tác đánh giá trình độ của đội ngũ công chức khách quan và chính xác hơn. Từ kết quả của cuộc thi, quận cũng sẽ có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho công chức phù hợp hoặc có thể kịp thời phát hiện những công chức nổi trội, có kiến thức tốt để đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt. Ngoài ra, quận sẽ xây dựng cơ chế bổ sung cho việc đánh giá đội ngũ công chức.

Thúc đẩy cán bộ, công chức phấn đấu

Hiện nay, một số địa phương như Đồng Tháp, Đồng Nai… đã tổ chức sát hạch công chức cấp xã và một số cơ quan chuyên môn. Đối với TPHCM, theo Sở Nội vụ TPHCM, quận 10 là địa phương đầu tiên tổ chức sát hạch năng lực công chức. Sở Nội vụ TPHCM hoan ngênh cách làm của quận 10 và cho biết sẽ đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm để xem xét hướng dẫn các nơi thực hiện. Trước việc quận 10 tổ sát hạch công chức, TS Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng (Bộ Nội vụ), bày tỏ đồng tình và khẳng định, việc sát hạch định kỳ công chức là rất cần thiết, đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. “Sát hạch là một khâu quan trọng trong công tác quản lý công chức”, TS Diệp Văn Sơn nhấn mạnh.

Riêng với TPHCM, thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, thành phố được phép chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Một trong những căn cứ quan trọng chi trả thu nhập là dựa vào kết quả đánh giá, phân loại định kỳ. Do đó, từ kết quả sát hạch sẽ có căn cứ định lượng trong việc đánh giá, phân loại công chức và chi thu nhập tăng thêm chính xác, không mang tính cào bằng. Kết quả sát hạch còn giúp nhận diện những công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu và chấm dứt hợp đồng với các công chức hợp đồng không đáp ứng yêu cầu. Điều này cũng phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (hiệu lực từ ngày 1-7-2020), quy định thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức.

“Không ít cán bộ, công chức nghĩ rằng họ được đảm bảo bằng chế độ “biên chế suốt đời”, dẫn đến sự thiếu năng động, thiếu ý chí tiến thủ, ít nhiều biểu hiện sức ì. Việc tổ chức thi tuyển và thực hiện theo cơ chế có tuyển dụng, có chấm dứt hợp đồng sẽ làm nóng, thúc đẩy cán bộ, công chức nỗ lực, phấn đấu hơn trong công việc”, TS Diệp Văn Sơn phân tích. Ngoài ra, cách làm này sẽ đảm bảo tính khách quan, giúp tránh được tình trạng tùy tiện, chủ quan khi nhận xét đánh giá; đồng thời khắc phục tệ nạn “ô dù”, thân quen hay đánh đồng, bình quân chủ nghĩa. “Ở mỗi cơ quan đều có kiểm điểm đánh giá cuối năm nhưng vẫn thiếu khoa học, thậm chí sơ sài. Do đó, việc tổ chức sát hạch công chức định kỳ là cần thiết, góp phần nâng chất cán bộ, tăng hiệu suất của các cơ quan nhà nước, từ đó phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn”, TS Diệp Văn Sơn nhấn mạnh.

Ông VŨ ANH KHOA, Chủ tịch UBND quận 10: Chuẩn hóa đội ngũ

Dự kiến kỳ thi sẽ được tổ chức hàng năm nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ công chức quận 10, đồng thời thành phần dự thi sẽ được mở rộng, có thêm lãnh đạo các phòng ban, đơn vị. Công chức là đội ngũ chuyên nghiệp nên phải làm việc chuyên nghiệp và phải được sát hạch hàng năm.

Theo kết quả kỳ thi kiểm tra năng lực công chức năm 2020, tất cả công chức quận và 15 phường dự thi đều đạt yêu cầu. Công chức có số điểm cao nhất là 100 điểm (điểm tuyệt đối), công chức có số điểm thấp nhất là 54 (điểm trên trung bình). Tuy nhiên, tỷ lệ hơn 80% người dự thi đạt trên 80 điểm cho thấy đề thi còn đơn giản nên chưa phân hóa rõ được trình độ, năng lực đội ngũ công chức. Do vậy, những kỳ thi sau, bộ đề sẽ đa dạng hơn, qua đó giúp đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức trong việc tham mưu nhiệm vụ được giao được thực tế hơn.

Tin cùng chuyên mục