Sắp xếp, sáp nhập tinh gọn, nâng cao hiệu quả công việc

Nhân dịp đầu Xuân Canh Tý 2020, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã có những chia sẻ với phóng viên Báo SGGP xung quanh chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, tinh giản biên chế…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
PHÓNG VIÊN: Thưa Bộ trưởng, chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đơn vị dưới xã (thôn, tổ dân phố) theo Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 trong năm qua đã mang lại kết quả nào?


 Bộ trưởng LÊ VĨNH TÂN: Việc sắp xếp đối với thôn, tổ dân phố là chủ trương rất lớn trong Nghị quyết số 18. Theo thống kê mới nhất, cả nước có 135.000 tổ dân phố. Những tỉnh miền núi có mật độ bố trí dân cư thấp, có những thôn chỉ khoảng 10 hộ, đồng bằng Bắc bộ có nơi chỉ 200 hộ, nhưng đồng bằng ở Nam bộ lại tới 500 hộ, đặc biệt với thành phố lớn, mật độ dân cao hơn rất nhiều. Việc chênh lệch số hộ giữa miền núi và đồng bằng gấp vài chục lần, sắp xếp lại là nhu cầu rất cần thiết. Việc bố trí cán bộ, những người hoạt động không chuyên trách tại tổ dân phố thời gian qua chưa hợp lý, số lượng rất đông, bình quân 1 tổ dân phố hay thôn là 5 người (có thôn chỉ 3 người, nhưng có thôn 8 người). Do đó, hoạt động không được hiệu quả. 


Để thực hiện chủ trương này, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 09 vào năm 2017 về tổ chức sắp xếp lại thôn, tổ dân phố. Nhưng qua 1 năm triển khai thấy Thông tư 09 chưa phù hợp, do đó năm 2018 tiếp tục ban hành Thông tư 14 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04 trước đây. Lần này đặt vấn đề có tính cơ cấu lại số hộ dân phù hợp với cơ cấu vùng, miền. Những địa phương nào mà tổ dân phố có hộ dân dưới 50% theo tiêu chí của Thông tư 04 và 09 thì sắp xếp lại. Tới thời điểm hiện tại, sau khi sắp xếp, số thôn, tổ dân phố của cả nước còn 100.000 hộ, bên cạnh đó là giảm được hàng chục ngàn những người hoạt động không chuyên trách; tổ dân phố chỉ còn 3 người (bí thư, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận). Những năm trở về sau, việc kết hợp sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tiếp tục sắp xếp tổ dân phố.

Việc thu gọn lại có điều kiện để lựa chọn người hoạt động không chuyên trách có năng lực, có trình độ tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có những mặt không được thuận lợi, nhất là khu vực miền núi, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, nên việc đảm bảo theo quy định còn gặp nhiều khó khăn. Việc này Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu để tương lai có điều chỉnh phù hợp hơn. Ngược lại, đối với những đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội mật độ dân cư quá đông, nếu tách nhỏ ra sẽ khó khăn trong quản lý, việc này cũng sẽ được tiếp tục nghiên cứu sau khi có sơ kết 2 năm thực hiện. 

 Năm 2019 đánh dấu chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, qua đó giảm phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, đồng thời cho thấy tính công khai, minh bạch trong chỉ đạo điều hành. Bộ trưởng chia sẻ về những điều đã làm trong năm qua?

 Thủ tục hành chính xuất phát từ thể chế, tất cả các quy định của luật, của thông tư có quy định về trình tự thủ tục, từ đó phát sinh thủ tục hành chính. Do đó, công tác thể chế là nhiệm vụ quan trọng. Trên tinh thần muốn xây dựng thủ tục đơn giản thì phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhất là Trung ương và địa phương; địa phương cấp trên với địa phương cấp dưới, tiến hành hậu kiểm thì thủ tục hành chính sẽ giảm đi. Thời gian qua đã có 45/63 tỉnh, thành đã tổ chức các trung tâm hành chính công. Đây là bước giảm đi các thủ tục, giảm phiền hà cho người dân, công khai minh bạch. 

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay thủ tục điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp đã giảm hơn 30%. Chính phủ chỉ đạo giao nhận văn bản điện tử và chữ ký số, chính điều này cũng đã giảm các thủ tục hành chính, bớt đi văn bản giấy tờ. Bản thân Bộ Nội vụ các cuộc họp cũng không còn sử dụng giấy tờ nữa.

 Thực hiện sắp xếp các đơn vị xã, huyện trong cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 18 đến nay đã đạt được kết quả thế nào, thưa Bộ trưởng?

 Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, của Bộ Chính trị, của Chính phủ, ngay từ tháng 5-2019, Bộ Nội vụ đã triển khai, tổ chức hướng dẫn cho các địa phương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện không đạt 50% của 2 tiêu chí về diện tích và quy mô dân số. Trong giai đoạn năm 2019-202, số đơn vị cấp huyện phải sắp xếp là 19 đơn vị, cấp xã trên 600 đơn vị. Qua 7 tháng thực hiện, tới thời điểm này Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện của 39 tỉnh. Như vậy, hiện đã giảm được 4 đơn vị hành chính cấp huyện và 560 đơn vị hành chính cấp xã. Phấn đấu trong tháng 2-2020 sẽ tiến hành sắp xếp dứt điểm đối với các tỉnh còn lại để chuẩn bị tiến tới đại hội đảng các cấp. 

Trong năm 2020, Bộ Nội vụ phải trình Chính phủ 9 nghị định, các nghị định này sẽ xoay quanh về cơ cấu của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan Chính phủ; cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện; sẽ có nghị định quy định về tiêu chuẩn, điều kiện sáp nhập, giải thể đối với các đơn vị sự nghiệp công lập… 

 Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Tin cùng chuyên mục