Sao phải chờ lãnh đạo cấp cao

Những ngày gần đây, dư luận rất bức xúc về vụ việc một cháu bé bị người đàn ông đánh tại khu đô thị Ciputra, quận Bắc Từ Liêm vào ngày 6-11. Gia đình đã đưa cháu N.A. đi khám ngay trong đêm và gửi kết luận của bác sĩ cho cơ quan công an.

Bệnh viện kết luận cháu N.A. bị chấn thương sọ não, chấn thương ngực, chấn động não, chấn thương phần mềm vùng ngực. Sau khi báo chí phản ánh và cơ quan chức năng vào cuộc, ông Hà đã chối, không thừa nhận hành vi của mình gây ra.

Nhưng trích xuất camera của Công an quận Bắc Từ Liêm cho thấy có việc ông Hà đánh cháu bé. Sự việc lùm xùm, và trong văn bản gửi Công an Hà Nội ngày 15-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Công an quận Bắc Từ Liêm và các đơn vị nghiệp vụ có liên quan tổ chức xác minh, điều tra vụ việc trên, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em cũng có công văn gửi Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đề nghị điều tra, khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi “Cố ý gây thương tích đối với người dưới 16 tuổi” của ông Trần Đức Hà. 

Có thể thấy, một sự việc gây quan tâm dư luận, với những chứng cứ rõ ràng nhưng lại để dây dưa, khiến người dân càng thêm bức xúc. Cho đến tận ngày 20-12, hạn chót mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội đặt ra, cơ quan Công an quận Bắc Từ Liêm mới có báo cáo kết quả xác minh, điều tra vụ việc này gửi Công an TP Hà Nội.

Công an quận Bắc Từ Liêm giải thích lý do chưa đưa ra kết quả cụ thể như khởi tố vụ án, khởi tố bị can và các vấn đề liên quan khác là do gia đình cháu bé chưa cho cơ quan chức năng đưa cháu đi giám định thương tật, nên cơ quan công an không có kết quả để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật!

Chúng ta có đủ hành lang pháp lý để cơ quan chức năng vận dụng xử lý ngay chứ không cần phải kéo dài và phải đợi đến khi người đứng đầu chính quyền có chỉ đạo thì người dân mới mong là vụ việc sẽ tiến triển sớm. Phải chăng, điều này đã thành một “thói quen”, cứ khi có vụ việc nóng xảy ra thì phải chờ có chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao vụ việc mới được giải quyết nhanh?

Thậm chí, có nhiều vụ việc được chỉ đạo nhiều lần nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Nếu sự việc nào cũng phải chờ đích thân Thủ tướng hay những người đứng đầu bộ ngành, tỉnh thành chỉ đạo thì e rằng các vị lãnh đạo không có đủ thời gian để làm những việc khác.

Để lãnh đạo hạn chế xử lý những sự vụ, thì bộ máy công quyền, cơ quan chức năng phải làm hết trách nhiệm của mình, bằng cách ứng phó nhanh, thái độ rõ ràng, như thế dân mới tin và mới hết tình trạng bất cứ sự việc nào cũng phải có chỉ đạo từ cấp trên.

Tin cùng chuyên mục