Sáng tạo song hành với kiểm soát rủi ro

Không quá khó để nhận thấy cuộc CMCN 4.0 tác động trực tiếp tới tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. 

Ngày 24-6, lần đầu tiên một cuộc hội thảo khoa học quốc gia đã được tổ chức nhằm nhận diện tổng thể những vấn đề pháp lý đặt ra của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và tác động của nó, hướng đến xây dựng khung pháp lý phù hợp cho đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ; đồng thời bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng rất nhiều vị lãnh đạo bộ, ngành, ủy ban của Quốc hội đã hiện diện tại sự kiện này.

Không quá khó để nhận thấy cuộc CMCN 4.0 tác động trực tiếp tới tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực quản trị công, dòng chảy chủ lưu là xây dựng chính phủ điện tử, ứng dụng những thành tựu mới nhất của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, số hóa để có thể nhận diện chính xác hơn vấn đề cần xử lý và phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt hơn. Ở cấp chính quyền địa phương, nhất là chính quyền các đô thị lớn, xu hướng chung là xây dựng thành phố thông minh.

Trong lĩnh vực kinh tế, như ngân hàng, tài chính, tiền tệ, việc phát minh ra các dạng tiền mã hóa được một bộ phận dân chúng sử dụng, đầu tư và đầu cơ đặt ra nhiều bài toán về chính sách tiền tệ và đảm bảo an ninh tiền tệ. Pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng đang đứng trước thách thức lớn, khi hợp đồng được giao kết nhiều hơn trên môi trường số hóa, các quy tắc truyền thống liên quan tới chứng cứ về giao kết hợp đồng, địa điểm giao kết hợp đồng, thẩm quyền tài phán liên quan tới giao kết hợp đồng cần phải được xem xét chỉnh lý lại.

Pháp luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng cần được sửa đổi, bổ sung để xử lý những trường hợp quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người máy (robot) gây ra trong quá trình vận hành (sẽ do người sở hữu người máy chịu hay người thiết kế ra phần mềm điều khiển hoạt động của người máy phải chịu).

Một lĩnh vực khác chắc chắn cũng sẽ có nhiều thay đổi quan trọng, đó là pháp luật về sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như các quy tắc xác định quyền tác giả hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với những tác phẩm do robot hoặc ứng dụng trí thông minh nhân tạo tạo nên có thể cần phải xem xét lại. Và, một khi người máy được ứng dụng rộng rãi, hình thành nên các nhà máy sản xuất thông minh, số lượng công nhân lao động bị thất nghiệp nhiều, nhất là các loại lao động thủ công thì ứng xử của Nhà nước đối với vấn đề này ra sao?

Vấn đề ứng dụng người máy thay cho nhân viên đang làm việc có được xem là căn cứ hợp lý để chấm dứt hợp đồng lao động với người làm công bị thay thế hay không; nếu chấm dứt thì trách nhiệm của chủ sử dụng lao động thế nào, nhất là trong việc đào tạo hoặc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp… cũng cần được đặt ra. Đặc biệt, về bảo hộ dữ liệu cá nhân, bảo đảm quyền riêng tư, việc kiểm soát và xử lý tội phạm thực hiện trên môi trường mạng như thế nào?

Từ góc nhìn kinh tế, trong làn sóng hội nhập sôi nổi như hiện nay, việc đảm bảo hài hòa cả 2 mục đích hội nhập kinh tế, đảm bảo tự chủ quốc gia và quyền riêng tư của mỗi người dân trên môi trường số đang là một trong những thách thức lớn nhất. Trong khi các doanh nghiệp trong nước phải chịu nhiều quy định về cấp phép, đăng ký kinh doanh, thành lập pháp nhân, lưu trữ dữ liệu, thanh kiểm tra hoạt động, thuế suất… thì cơ quan quản lý đang gặp nhiều khó khăn trong việc cấp phép, quản lý, thu thuế và chế tài các doanh nghiệp xuyên biên giới vi phạm pháp luật, do chưa có quy định pháp lý đầy đủ và rõ ràng.

Một ví dụ nhãn tiền là việc mới đây, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) đã phát đi cảnh báo tới 61 nhãn hàng lớn về việc quảng cáo nhãn hàng, sản phẩm của họ đang bị phát trên các kênh YouTube “phản động”, do cơ chế phân phối nội dung ngẫu nhiên còn nhiều kẽ hở của YouTube, cũng như việc YouTube chưa thực sự nghiêm túc trong việc quản lý nội dung các kênh chiếu (phát) trên nền tảng này.

Đó là chưa kể một khối lượng khổng lồ dữ liệu của người dùng Việt Nam (nhân thân, thói quen sử dụng Internet và mạng xã hội, thói quen đi lại, mua sắm, giải trí, du lịch, ăn uống, chi tiêu, thanh toán...) hiện đang nằm trong tay các doanh nghiệp xuyên biên giới như Google, Facebook, Grab… mà nếu không sớm có cơ chế và công cụ để kiểm soát việc lưu trữ, sử dụng thì không chỉ “mỏ vàng dữ liệu 4.0” bị mất, mà nguy cơ rủi ro liên quan đến an ninh quốc gia, dữ liệu cá nhân cũng rất lớn.

Rõ ràng, đi cùng với Sandbox - việc cho phép thí điểm những mô hình công nghệ chưa có hành lang pháp lý quy định đang được xem như “chiếc chìa khóa vàng” cho những nhân tố mới, luôn được pháp luật quốc tế nhấn mạnh điều kiện kèm theo là “thử nghiệm trong khuôn khổ và phạm vi hạn chế”. Yêu cầu sáng tạo nhưng phải thận trọng là nguyên tắc hàng đầu trong xây dựng thể chế pháp luật trong giai đoạn CMCN 4.0.

Tin cùng chuyên mục