Sáng tạo bằng cả trái tim

Ra mắt vào tháng 1-2017, vở kịch Dấu xưa (tác giả Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc) được Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B dàn dựng phục vụ công tác tuyên truyền, hưởng ứng việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 

Vở có sự tham gia diễn xuất của NSƯT Thanh Điền, NSƯT Mỹ Uyên, NS Phương Bình, NS - đạo diễn Chánh Trực, NS Lê Bình, Thái Kim Tùng, Lê Vinh, Thanh Tuấn, Nguyễn Sơn, Cao Việt Hưng, Quốc Cường, Lê Hoàng Giang, Nam Sang và các diễn viên trẻ của nhà hát.

Hình tượng Bác gần gũi và giản dị

Vở kịch Dấu xưa về Bác Hồ được dàn dựng lôi cuốn, đan xen những câu chuyện của quá khứ và hiện tại, giúp khán giả liên tưởng đến những vấn đề thời sự nóng bỏng của xã hội hiện nay: chuyện giải tỏa đất đai, công tác đền bù; việc bổ nhiệm chức vụ, phân công công tác cán bộ không hợp lý; nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí của công... Qua từng suất diễn, vở kịch được đông đảo khán giả yêu mến, đó chính là nguồn động viên rất lớn cho ê kíp thực hiện.

Sáng tạo bằng cả trái tim ảnh 1 Một cảnh trong vở Dấu xưa
Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc chia sẻ: “Khi bắt tay dựng vở kịch Dấu xưa, trong lúc bàn bạc, tôi và NSƯT Thanh Điền đã đồng quan điểm về cách thức xây dựng hình tượng Bác Hồ, một hình ảnh gần gũi với khán giả, gắn với đời thường.

Tôi từng được gặp Bác, nghe Bác Hồ nói chuyện, tôi thấy rõ Bác rất gần dân, giản dị. Xem thêm các phim tư liệu, tôi càng cảm nhận sâu sắc sự giản dị rất đỗi đời thường của Bác Hồ. Vì thế, tôi đã xây dựng hình tượng Bác đúng như một người bình thường, còn điều lớn lao lan tỏa hơn từ Bác chính là hành động, ứng xử của Bác đối với mọi người và trong công việc.

Qua nghiên cứu hình tượng nhân vật, tôi đã trao đổi thêm với anh Thanh Điền rằng, hãy diễn vai Bác Hồ đúng như một nhân vật kịch, bằng tình cảm yêu thương, kính trọng, gần như tri ân với vị lãnh tụ. Anh Thanh Điền đã thể hiện được tinh thần Bác như thật: Sự sáng suốt của Bác trong công việc, trong cuộc sống; tình cảm, sự yêu thương của Bác với quân và dân. 
Ngoài ra, vở kịch thành công cũng nhờ vào tư duy sáng tạo của tác giả Nguyễn Thanh Bình, anh đã sáng tạo nên một tác phẩm bằng giọng điệu giản dị, nhẹ nhàng”.  
Trong vở Dấu xưa, vai diễn hình tượng Bác Hồ được giao cho NSƯT Thanh Điền. Anh cho biết: “Sau rất nhiều năm tôi mới diễn lại hình tượng Bác Hồ. Tôi trăn trở, làm sao để thể hiện tốt nhất hình tượng Bác ở một không gian khác, thời gian khác so với vai diễn Bác Hồ trong vở Đêm trắng (tác giả: Lưu Quang Hà - đạo diễn Doãn Hoàng Giang - Thanh Điền) trước đây. Bác Hồ trong Dấu xưa phản ánh một hình tượng bình dị, gần gũi với nhân dân và chính điều này khiến tôi tưởng chừng thật dễ nhưng lại thật khó”.  

Để vai diễn khi lên sàn đạt hiệu quả tốt nhất, NSƯT Thanh Điền đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tâm lý nhân vật Bác Hồ vào thời điểm câu chuyện diễn ra; đặc biệt là tác phong, cách nói chuyện của Người đối với nhân dân.

Qua các suất diễn, hình tượng Bác Hồ giản dị, thân thương; sự hóa thân giống Bác của NSƯT Thanh Điền từ tư thế đứng, dáng đi, giọng nói, động tác của đôi tay… đã khơi gợi thật nhiều tình cảm, lòng kính yêu Bác Hồ trong tâm tư người xem.

Không ít khán giả đã rơi nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh Bác Hồ thật đẹp trên sân khấu. Thành công của Dấu xưa là của tập thể tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên… Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, trong đó có sự góp sức rất lớn của NSƯT Thanh Điền khi hóa thân hoàn hảo vai diễn hình tượng Bác Hồ.

Phát huy đạo đức, tinh thần trách nhiệm 

Trao đổi với ê kíp thực hiện vở kịch, có thể thấy vở Dấu xưa không ngoài mục đích nêu bật hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; là tấm gương phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Người là mẫu mực của lòng nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu; là tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công - vô tư, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; với đời riêng trong sáng, việc chung vẹn toàn, nếp sống giản dị - thanh cao.

Tác phẩm sân khấu đặc biệt này giúp thế hệ hôm nay thấu hiểu hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là bài học quý, tấm gương soi rọi cho mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trong giai đoạn đất nước phát triển hiện nay.

Qua đó, những người theo dõi vở kịch có thể dễ dàng nhận thấy, học ở Người những đức tính, phong cách cao đẹp mà giản dị; tiếp tục có những rèn luyện và phát huy đạo đức cũng như tinh thần trách nhiệm với công việc, trong cuộc sống. 

NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, chia sẻ: “Qua từng suất diễn, tác phẩm đã nhận được sự cổ vũ, ủng hộ và yêu mến của đông đảo người xem. Thành công đó có được là nhờ vào sự gần gũi mà tác phẩm đem lại với cuộc sống hôm nay, qua sự chung sức làm nên của một tập thể sáng tạo. Khi đã có một tác phẩm tốt, vai trò sáng tạo đặt nặng lên vai đạo diễn trong công tác dàn dựng và diễn viên thể hiện tính cách từng nhân vật.

Các diễn viên Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B đã tự tìm hiểu, nghiên cứu thêm về nhân vật thủ diễn, sáng tạo làm sao để vai diễn hay hơn, kết hợp ăn ý hơn với bạn diễn. Đặc biệt, trong bối cảnh các tác phẩm nghệ thuật có yếu tố tuyên truyền khó nhận được sự quan tâm từ khán giả mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, thì những suất diễn của Dấu xưa tại các trường học, công sở, khu công nghiệp… với sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả chính là minh chứng rõ nét cho sự lan tỏa mà vở kịch này đem lại”. 

Với ê kíp Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, kết quả cuối cùng đạt được chính là chất lượng các suất diễn, tình cảm mà khán giả đã dành tặng cho ê kíp thực hiện.

Tác phẩm Dấu xưa ra đời năm 2010, nhận giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật TPHCM. Sau khi tác giả Nguyễn Thanh Bình chỉnh sửa, Dấu xưa được Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B đầu tư, đạo diễn Trần Minh Ngọc dàn dựng và vở diễn hoàn thành vào tháng 12-2016, công diễn tại rạp Công Nhân vào tháng 1-2017. Trong hai năm 2017 và 2018, vở diễn đã phục vụ 50 suất tại các cơ quan, đơn vị...

Tin cùng chuyên mục