Sáng chế robot, thiết bị y tế góp sức chống dịch

Dù phải nghỉ học, thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nhưng thầy trò nhiều trường đại học (ĐH) đã liên tục cho ra đời các sáng chế hữu ích góp sức cùng ngành y tế và cả nước phòng chống dịch. Chưa bao giờ vai trò nghiên cứu và trách nhiệm với cộng đồng của các trường ĐH lại nổi bật như hiện nay. 
Robot CD1.0 của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Tôn Đức Thắng được bàn giao cho Trung tâm cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 tại Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM
Robot CD1.0 của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Tôn Đức Thắng được bàn giao cho Trung tâm cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 tại Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM

Robot làm việc tại khu cách ly

Mới đây, 2 sản phẩm robot khử khuẩn mang tên Covid Defender 1.0 (CD1.0) và Disinfection Robot 1.0 (DR1.0) của nhóm nghiên cứu Robotics Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã được đưa vào sử dụng. Trong đó, robot CD1.0 được bàn giao cho Trung tâm cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 tại Ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM, thực hiện công việc khử khuẩn thay cho một bộ phận nhân viên y tế.

Robot CD1.0 hoạt động ở khu vực chịu được nước, khử khuẩn bằng phương pháp phun hóa chất dạng dung dịch nên rất phù hợp phòng chống dịch Covid-19. Còn robot DR1.0 lại có ưu điểm hoạt động ở khu vực văn phòng, nhà ga, nơi đông người và khử khuẩn bằng phương pháp chiếu tia UV. TS Dương Thị Thùy Vân, nhóm nghiên cứu Robotics (Trung tâm Công nghệ thông tin ứng dụng Trường ĐH Tôn Đức Thắng), cho biết, robot được trang bị vi điều khiển STM34F4, cấu hình mạnh và tính năng vượt trội, được điều khiển từ xa với khoảng cách tối đa đến 2.000m. Trên thân robot được gắn điện thoại thông minh, cho phép dễ dàng quan sát và điều khiển thông qua cuộc gọi video. Với khả năng tải khoảng 170kg, thời gian làm việc liên tục 6 giờ, tốc độ di chuyển tối đa 15km/giờ, ngoài chức năng khử khuẩn, robot có thể phát triển thành nhiều loại robot có tính năng khác nhau, như robot vận chuyển thuốc men, vật tư y tế, thức ăn cho bệnh nhân, cứu hộ, cứu nạn...

Tương tự, chỉ chưa đầy một tuần, nhóm 5 thầy trò Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã chế tạo thành công robot thay con người phục vụ trong khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19. Robot có chức năng vận chuyển thức ăn, thuốc và các vật dụng cần thiết vào tận các phòng cách ly. Robot cũng phát loa thông báo cho người trong phòng bệnh, cho phép bác sĩ và người cách ly có thể trao đổi qua hệ thống loa, micro trên robot mà không cần tiếp xúc trực tiếp. PGS Lưu Đức Bình, Trưởng khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), cho biết, hiện robot đầu tiên được trường bàn giao miễn phí cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. 

Sau 2 tuần được Bộ KH-CN đặt hàng, mới đây, các nhà khoa học của Học viện Kỹ thuật Quân sự đã cho ra đời phiên bản 1a của sản phẩm robot hỗ trợ y tế, đặt tên là Vibot. Robot có thể thay công việc của 3 - 5 nhân viên y tế, hỗ trợ bác sĩ chăm sóc bệnh nhân, góp phần ngăn ngừa lây lan dịch Covid-19. Robot có khả năng đưa thuốc, thu gom rác, đưa cơm cho bệnh nhân, đồng thời tương tác giữa bác sĩ và bệnh nhân qua hệ thống đường truyền riêng gắn trên robot…

Đa dạng sản phẩm ứng dụng 

Với mong muốn góp phần cùng Chính phủ tăng cường các biện pháp chữa bệnh kịp thời cho bệnh nhân mắc Covid-19, Trường ĐH Duy Tân đã tập trung nguồn lực, nghiên cứu, chế tạo và bước đầu thử nghiệm thành công sản phẩm máy thở (Ventilator) không xâm nhập, với tên gọi DTU-Vent. Đây là sản phẩm hỗ trợ thở cho những bệnh nhân suy giảm khả năng hô hấp hoặc phù phổi cấp do virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào, gây rối loạn hệ miễn dịch và tổn thương phổi nghiêm trọng.

Ông Lê Hoàng Sinh, trưởng nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho biết, máy thở DTU-Vent là dòng máy thở không xâm nhập, cung cấp dòng khí oxy đến phổi ở một tần suất cố định, thông qua mặt nạ mũi hoặc mặt nạ mũi - miệng, đáp ứng nhanh một lượng khí lớn trong thời gian ngắn, kích thích việc thở của người bệnh. Hiện tại, máy có thể chạy ở nhiều chế độ khác nhau như: kiểm soát áp suất, kiểm soát thể tích, đặc biệt là chế độ dựa theo tình trạng người bệnh để cung cấp hỗ trợ hô hấp cần thiết và tức thì… Giá thành sản phẩm sau khi hoàn thiện dự kiến ở mức dưới 20 triệu đồng, thấp hơn 4 - 5 lần giá thành các sản phẩm trên thị trường hiện nay. 

Trong khi đó, thầy và trò Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên (ĐH Thái Nguyên) cũng đã sáng chế thành công máy đo thân nhiệt có tốc độ siêu nhanh, người đo không cần chạm vào thiết bị, góp phần phòng dịch Covid-19. PGS - TS Vũ Ngọc Pi, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ban giám hiệu trường đã trăn trở và đặt hàng PGS-TS Phạm Thành Long, Trưởng bộ môn Cơ điện tử của trường, nghiên cứu triển khai. Đến ngày 21-3, PGS-TS Phạm Thành Long cùng sinh viên bắt tay thiết kế và sáng chế sản phẩm đầu tiên. Sản phẩm hoàn thành chỉ trong 3 ngày đêm và được lắp đặt ngay trong khu ký túc xá sinh viên nước ngoài của trường. Chiếc máy thứ hai được trường lắp tặng Tỉnh đoàn Thái Nguyên, sáng 26-3 vừa qua. Thực tế sử dụng cho thấy, thiết bị đo thân nhiệt có sai số trong khoảng 0,50C, nhưng đối với người sốt, có thân nhiệt cao, máy đo thành công, nhận diện chính xác.

Còn tại Trường ĐH Quy Nhơn, PGS-TS Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng khoa Kỹ thuật và Công nghệ, cho biết, khoa cũng đã chế tạo 2 loại thiết bị cấp tốc, gồm máy rửa tay sát khuẩn tự động và máy đo thân nhiệt tự động từ xa. Hiện khoa đã lắp đặt miễn phí 2 loại thiết bị này tại 10 điểm trong TP Quy Nhơn, bao gồm các bệnh viện lớn, kho bạc, trụ sở chính quyền... góp phần phòng chống dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục