Sản xuất theo yêu cầu thị trường

Dù sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng sản phẩm chỉ tiêu thụ được tại các kênh phân phối hiện đại, còn chợ truyền thống “chê” không mua, nếu mua cũng chỉ bằng giá với sản xuất theo tiêu chuẩn bình thường.
Sản phẩm đặc trưng nhãn Châu Thành, Đồng Tháp Ảnh: THANH HẢI
Sản phẩm đặc trưng nhãn Châu Thành, Đồng Tháp Ảnh: THANH HẢI

Do đó, thị trường cần có điều kiện ràng buộc để nông sản khi nhập chợ phải minh bạch để nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, người tiêu dùng sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn.

Hàng VietGAP khó cạnh tranh

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, sản xuất nông sản an toàn gắn với việc truy xuất nguồn gốc (TXNG) là nhu cầu ngày càng cấp thiết của toàn xã hội. Với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất nông nghiệp phải dựa trên việc đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, ứng dụng khoa học - công nghệ… Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều chương trình, mô hình sản xuất nông, thủy sản tốt gắn với TXNG. Đây cũng là nhu cầu, định hướng phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp, hướng đến lợi ích lâu dài của người sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, các nông sản mà tỉnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP kết quả thực hiện còn hạn chế, chỉ mới 2/5 mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh (cá tra, trứng vịt) thực hiện được TXNG. 

Theo Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều hình thức, giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất với các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm. Nhờ vậy, một phần chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, ổn định đầu ra, nhất là các sản phẩm có tính thời vụ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP được TXNG. Tỉnh đã có nhiều chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ (lúa gạo, cá tra, xoài, vịt...); trong đó, có 2 chuỗi (trứng vịt, cá tra) đã được đưa vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm lớn ở TPHCM cũng như xuất khẩu ra thị trường thế giới. Nhưng tình trạng doanh nghiệp, HTX phá hủy các hợp đồng vẫn còn nhiều nên nông dân lo lắng xảy ra hiện trạng “được mùa, mất giá”. Không những thế, thương lái còn “xúi” nông dân làm bậy, quay về sản xuất theo kiểu bình thường (phun thuốc vô tội vạ) để chỉ có thể bán cho thương lái nhằm thâu tóm thị trường. Một số cơ sở sản xuất còn hạn chế trong kết nối tiêu thụ, tìm kiếm thị trường, đặc biệt là các HTX, vì vậy, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP có giá bán không cao hơn sản phẩm sản xuất bình thường. Từ đó, nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có TXNG không còn mặn mà, bởi sẽ tốn thêm nhiều kinh phí nhưng giá thành không tăng.

Buộc phải cấm, nông dân mới thực thi

Vừa qua, Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Sở Công thương TPHCM tổ chức hội thảo “Xây dựng và phát triển chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực, truy xuất nguồn gốc” gắn với Đề án Phát triển thị trường trong nước trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm đưa ra đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện sang hướng nâng chất, đi vào chiều sâu, nâng cao trách nhiệm nhà sản xuất, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng và hình thành nên các chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn một cách căn cơ, bền vững. Cụ thể, Đồng Tháp sẽ chọn một số nông sản chủ lực thực hiện việc TXNG để đáp ứng thị trường TPHCM, như xoài và cá rô phi Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, trứng vịt và lúa ở các huyện Tháp Mười, Tam Nông, Thanh Bình.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết từ năm 2013 đến nay, trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND tỉnh đã kiên trì xây dựng thành công các mặt hàng nông sản chủ lực. Sang giai đoạn 2, tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu gắn với TXNG. Bắt nguồn từ sau khi TPHCM thực hiện Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất trứng, người chăn nuôi ở tỉnh Đồng Tháp đã thay đổi thực hiện toàn bộ TXNG, từ đó giúp tăng thu nhập, ổn định đầu ra. Để làm được điều này, cả bên cung - bên cầu phải chia sẽ lẫn nhau, nên UBND tỉnh mong muốn TPHCM phát ra tín hiệu “nông sản phải TXNG mới cho đưa vào thị trường TPHCM”  và có vậy nông dân mới đồng lòng thực hiện. Qua đó, người tiêu dùng sử dụng nông sản an toàn, còn người sản xuất nâng cao tiêu chuẩn, bảo vệ môi trường, tăng thu nhập và sẽ không còn tình trạng “được mùa, mất giá”. 

Theo Sở Công thương TPHCM, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TPHCM chỉ đáp ứng 15% thị trường, còn lại phải đưa về từ nhiều tỉnh, thành khác. Để giải quyết bài toán về an toàn thực phẩm, TPHCM cũng cần phải liên kết cụ thể hơn, đi vào chuỗi giá trị của từng tỉnh; đồng thời, phối hợp hỗ trợ các tỉnh tái cơ cấu lại sản xuất theo thị trường. Đồng Tháp là địa phương quyết tâm tái cơ cấu rất cao nên Sở Công thương TPHCM sẽ phối hợp với các đơn vị thu mua, chợ đầu mối hỗ trợ, hướng dẫn cải thiện bao bì, mẫu mã; cam kết tiêu thụ, ưu tiên chọn làm hàng nhãn riêng và quảng bá thị trường....

Tin cùng chuyên mục