Sản xuất rau ăn quả theo VietGAP

Muốn sản xuất rau ăn quả đạt hiệu quả cao, bà con cần thực hiện đúng quy trình VietGAP, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cấm...
Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của TPHCM, với sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, ban ngành và sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con nông dân khắp các quận, huyện, đến nay TP đã có nhiều mô hình chuyển đổi từ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau mang lại hiệu quả cao, được nhiều bà con quan tâm và nhân rộng. 
Trong đó, mô hình trồng rau ăn quả (bầu, bí xanh, dưa leo, khổ qua...) theo quy trình VietGAP đã hình thành, được sản xuất theo hình thức cá thể hay liên kết nhóm sản xuất, tạo nên cánh đồng rau tại các xã ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, phù hợp với hướng phát triển nông nghiệp đô thị tại TP, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa được tiêu thụ ổn định tại các hợp tác xã, siêu thị như Metro, Co.opmart... 
Sản xuất rau ăn quả theo VietGAP ảnh 1 Mô hình sản xuất rau ăn quả theo quy trình VietGAP đạt hiệu quả tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi
Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Văn Ghé (ngụ ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) - hộ thực hiện mô hình khuyến nông “Sản xuất rau ăn quả theo quy trình VietGAP”, với 3.000m² diện tích trồng khổ qua, năng suất bình quân đạt 10.500kg/3.000m²/vụ, mỗi năm thu hoạch 4 vụ; hiện giá bán ổn định tại Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn Nhuận Đức 7.500đồng/kg, lợi nhuận thu được gần 100 triệu đồng/năm sau khi đã trừ mọi chi phí.
Phấn khởi với kết quả đạt được, anh Ghé cho biết thêm: Muốn sản xuất rau ăn quả đạt hiệu quả cao, bà con cần thực hiện đúng quy trình VietGAP, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cấm, thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật, phải ghi chép và lưu trữ đầy đủ nhật ký sản xuất, khi thu hoạch sản phẩm không được để tiếp xúc trực tiếp với đất… để sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thu mua và bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, canh tác theo mô hình này, đầu ra sản phẩm luôn ổn định, không phải phập phồng lo sợ giá cả lên xuống theo thị trường, giúp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất. 
Mô hình trồng rau ăn quả theo quy trình VietGAP đã thực sự đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân, giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng sản phẩm, góp phần thiết thực vào việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.
Để biết thêm chi tiết về quy trình trồng rau ăn quả theo VietGAP, cũng như tư vấn về các thủ tục cần thiết để đăng ký chứng nhận VietGAP, quý bà con có thể liên hệ Trung tâm Khuyến nông TPHCM (số 43 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1; điện thoại 083.8221131 hoặc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp (số 186 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1; điện thoại 083.8229431) .

Tin cùng chuyên mục