Sản phẩm xúc xích ngày càng đa dạng

Cuộc sống bận rộn và xu hướng chọn thực phẩm chế biến công nghiệp của người tiêu dùng Việt là nguyên nhân thúc đẩy ngành hàng xúc xích phát triển mạnh trong thời gian qua. 

Thị trường tiềm năng thu hút doanh nghiệp

Theo giới kinh doanh, xúc xích tuy là mặt hàng rất nhỏ trong nhóm ngành hàng thực phẩm chế biến công nghiệp nhưng lại đang là mặt hàng tiềm năng nhất hiện nay. Các thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, 3 năm trở lại đây, lượng thực phẩm người Việt tiêu thụ thường tăng 17%/năm và dự báo con số này sẽ là 18,6% trong những năm tới.

Trong đó, việc tiêu thụ thực phẩm chế biến công nghiệp (bao gồm xúc xích) cũng tăng khoảng 6% - 9%/năm. Sự gia tăng này là do thói quen ăn uống của người tiêu dùng Việt đã thay đổi nhiều, các gia đình có cuộc sống bận rộn và thường chọn thực phẩm chế biến công nghiệp với lợi thế là có thể sử dụng nhanh chóng và tiện lợi. 

Chị Nguyễn Thị Thu (ngụ quận 7, TPHCM) chia sẻ, trước đây chị vốn không mấy thiện cảm với các loại thực phẩm chế biến nói chung và xúc xích nói riêng vì thích tự tay chế biến thực phẩm để đảm bảo độ tươi ngon. Tuy nhiên, do nhịp sống bận rộn cùng với sự đầu tư của ngành này đã đưa ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp với sở thích của gia đình, nên tần suất “tìm mua” xúc xích của chị ngày một nhiều hơn. 

Thị trường tiềm năng cũng là nguyên nhân các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực chế biến thực phẩm như Vissan, Saigon Food, Việt Hương, Việt Đức… ngày càng đầu tư sản xuất thêm nhiều loại xúc xích mới. Thị trường này còn hấp dẫn tới mức Công ty Ba Huân, trước đây chỉ kinh doanh sản phẩm trứng gia cầm sống, thì nay đã thêm rất nhiều sản phẩm xúc xích vào danh mục sản xuất của mình.

Quan sát tại các siêu thị Co.opmart, Big C, Lotte Mart, cửa hàng tiện lợi Co.op Food, GS 25… cho thấy, các sản phẩm xúc xích hiện khá đa dạng. Nguyên liệu sản xuất từ heo, bò, gà, cá cho tới phô mai, tôm, với các phương thức tiệt trùng, thanh trùng, xông khói… để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Đáng chú ý, mỗi DN đều có một hướng đi riêng, chẳng hạn VISSAN và Saigon Nutri Food sản xuất xúc xích theo công nghệ Nhật Bản, còn Việt Hương chọn công nghệ châu Âu…

Sản phẩm xúc xích ngày càng đa dạng ảnh 1 Người tiêu dùng ngày càng chuộng xúc xích chế biến vì tính tiện lợi
Đa dạng sản phẩm cho người dùng

Việc có nhiều DN tham gia đã khiến thị trường xúc xích cạnh tranh hơn và cuộc đấu về chất lượng, mùi vị, mẫu mã hay hệ thống phân phối… đã mang đến những sản phẩm đa dạng hơn cho người tiêu dùng. Tham gia vào ngành chế biến thực phẩm đã lâu nên VISSAN hiện có rất nhiều chủng loại xúc xích. Từ đầu năm tới nay, DN này tiếp tục giới thiệu nhiều sản phẩm mới như xúc xích Daily, xúc xích Super 5... Trong đó, sản phẩm xúc xích Super 5 khá đặc biệt khi kết hợp năm dưỡng chất canxi, kẽm, vitamin D3, omega 3 và chất xơ trong một sản phẩm để mang tới sự lựa chọn mới cho khách hàng. 

Trong xu hướng phát triển này, cuối tháng 9 vừa qua, Công ty Ba Huân đã đưa xúc xích gà Oliba gia nhập thị trường bên cạnh xúc xích bò, xúc xích heo truyền thống của nhãn hiệu này. Xúc xích tiệt trùng gà Oliba là sản phẩm mới cùng xúc xích hồ lô, xúc xích cocktail… mà Công ty Ba Huân đưa ra thị trường trong năm 2019.

“Khi xúc xích ăn liền ngày càng trở nên thông dụng, phổ biến bởi tính tiện lợi và có giá trị dinh dưỡng cao, dựa trên thế mạnh vốn có, công ty đã quyết định phát triển thêm các dòng sản phẩm xúc xích mới để theo kịp thị hiếu khách hàng. Các sản phẩm đều được chế biến từ nguồn gia súc, gia cầm chăn nuôi theo quy trình công nghệ cao, sử dụng bằng nguồn thức ăn dinh dưỡng chọn lọc, không biến đổi gen, không chất kích thích tăng trưởng”, đại diện Công ty Ba Huân khẳng định. 

Theo giới chuyên gia, thị trường xúc xích Việt Nam sẽ còn phát triển hơn trong giai đoạn tới, bởi mức tiêu thụ hiện còn khá thấp. Cụ thể, nếu như bình quân mỗi người Trung Quốc dùng 2,2kg xúc xích tiệt trùng/năm, người Indonesia dùng 1,5kg/năm, thì mức tiêu dùng của người Việt Nam mới chỉ khoảng 208g/năm. Vì thế, hoàn toàn dễ hiểu khi ngày càng có nhiều DN tham gia vào lĩnh vực này.

Tin cùng chuyên mục