Sản phẩm xanh, chăm sóc sức khỏe tiếp tục lên ngôi

Người tiêu dùng Việt ngày càng chuộng những sản phẩm ngon, chất lượng, đảm bảo các tiêu chí xanh - sạch cũng như sản phẩm nâng cao sức khỏe. Đây cũng là yếu tố được các nhà sản xuất, phân phối quan tâm nhiều hơn trong các tháng cuối năm nay, nhằm đáp ứng xu hướng của người tiêu dùng. 
Sản phẩm thân thiện môi trường được người tiêu dùng chọn mua tại Co.opmart
Sản phẩm thân thiện môi trường được người tiêu dùng chọn mua tại Co.opmart

Sản phẩm thân thiện môi trường được chú trọng

Theo khảo sát được Hội Doanh nghiệp (DN) Hàng Việt Nam chất lượng cao công bố hồi cuối tháng 6-2020, người tiêu dùng Việt ngày càng có những yêu cầu khắt khe hơn với các sản phẩm hàng tiêu dùng. Cụ thể, ngoài yếu tố chất lượng ngon và hợp khẩu vị thì chất liệu tốt và bền, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hay an toàn sử dụng là những tiêu chí được khách hàng quan tâm khi chọn mua sản phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng bắt đầu chú ý hơn tới những sản phẩm thân thiện với môi trường - thể hiện qua sức mua của các sản phẩm mang nhãn “xanh” và “sạch” tăng mạnh. 

Minh chứng cho điều này, nhà bán lẻ Saigon Co.op - đơn vị có gần 1.000 siêu thị, cửa hàng trên toàn quốc - cho biết trong xuyên suốt tháng 6-2020, hệ thống của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile… trên cả nước đồng loạt lấy chủ đề “Tháng tiêu dùng xanh”, kết hợp khuyến mãi giảm giá các mặt hàng thiết yếu, để vừa hướng người tiêu dùng chọn mua sản phẩm của những DN thực hiện tốt công tác môi trường, vừa kích cầu cho những sản phẩm thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng. Trong tháng triển khai chương trình, sức tiêu thụ sản phẩm của các DN tham gia chiến dịch tăng 50%-60% so với tháng khác trong năm. Điều này cho thấy cộng đồng đã hưởng ứng tích cực và chọn lựa những sản phẩm có yếu tố bảo vệ môi trường ngày một tăng lên. 

Theo chia sẻ của nhiều người tiêu dùng, từ các chương trình kêu gọi hành động của Chính phủ về bảo vệ môi trường cũng như những hành động thiết thực của các DN sản xuất đã giúp họ nắm bắt và có lựa chọn kỹ càng hơn khi mua sắm. Cụ thể, họ sẽ ưu tiên mua những sản phẩm bảo vệ môi trường như ống hút giấy thay cho ống hút nhựa, bình nước thủy tinh hoặc inox thay cho bình nhựa… Chính từ những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người Việt, các đơn vị nghiên cứu thị trường khuyến cáo: DN cần xây dựng niềm tin vào nhãn hàng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường; luôn đặt vấn đề sức khỏe vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm để cung cấp cho khách hàng và phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững.

Thời cơ vàng cho DN

Cùng với xu hướng sử dụng sản phẩm xanh, Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng dự báo, trong 6 tháng cuối năm, hành vi mua sắm của người Việt sẽ không có nhiều thay đổi như giai đoạn trong dịch. Cụ thể, thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa và vệ sinh cá nhân, nhà cửa vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong tương lai gần. 

Có thể thấy, sau dịch, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và hàng chăm sóc sức khỏe vẫn tốt; từ giờ đến cuối năm là thời cơ vàng để các DN tăng tốc sản xuất. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, chia sẻ: “Chúng tôi may mắn có mức độ tăng trưởng doanh thu rất nhanh, có tháng tăng đến 300%-400% so với trước dịch, do người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe, họ tìm mua những sản phẩm này nhiều hơn. Thậm chí ở thời điểm hiện tại, doanh số bán ra vẫn rất tốt nên công ty đang tăng tốc thu mua nguyên liệu và tăng thăm hỏi, chăm sóc các đại lý bán hàng để nắm bắt tình hình, chuẩn bị các kịch bản kinh doanh trong điều kiện bình thường mới”.

Theo Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Vina T&T, doanh số bán ra tại cửa hàng phân phối sản phẩm nông sản của DN này luôn duy trì khoảng 500 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, sau khi dịch bệnh xảy ra, doanh số của công ty đã tăng 30%. Vì thế, sắp tới, DN này sẽ mở thêm 2 cửa hàng tại TPHCM để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Ông Lưu Huỳnh, Giám đốc Marketing Công ty TNHH MeiZan, cho biết nếu như trong đợt cao điểm chống dịch, công suất của nhà máy tăng gấp 3-4 lần so với trước dịch thì nay tăng khoảng 20% và dự kiến mức này sẽ duy trì đến hết năm. Vì thế, nhà máy của MeiZan vẫn đang chạy hết công suất để đảm bảo nguồn cung ra thị trường. 

Tương tự, nhiều DN khác như Ba Huân, Vissan… tiếp tục tăng hết công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các DN cũng chú trọng nhiều hơn tới việc đầu tư thay đổi máy móc, trang thiết bị hiện đại, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đồng thời hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục