Sản phẩm nguồn gốc thực vật lên ngôi

Người tiêu dùng (NTD) thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang chi tiêu tiết kiệm, song họ vẫn tìm đến sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường để bảo vệ sức khỏe cũng như môi trường sống.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm xanh
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm xanh

Thế giới chuộng sản phẩm từ thực vật

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tich Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, sau đại dịch, NTD bị ám ảnh dẫn đến mối âu lo về sức khỏe và miễn dịch. Chưa kể kinh tế toàn cầu suy giảm, biến đổi khí hậu, môi trường thiên nhiên bị tổn thương nghiêm trọng. Do đó, NTD cần một chế độ ăn uống cân bằng, tốt cho sức khỏe và tiện lợi. Ở châu Âu hiện nay, xu hướng làm việc từ xa, làm việc tại nhà đang ngày càng phổ biến, kèm theo đó là nhu cầu tác phong mới như ngại ăn uống bên ngoài, chi tiêu tiết kiệm hơn.

Tựu trung, điều chi phối quyết định mua hàng của NTD hiện nay thay đổi rất nhiều so với trước đại dịch. Chẳng hạn, NTD hiện nay quan tâm nhiều hơn đến thực phẩm xanh - sạch, thực phẩm mang lại sự đa dạng cho chế độ ăn uống và thân thiện với môi trường. “Gần đây tôi có tham dự hội chợ Thaifex tại Thái Lan và nhận thấy xu hướng nổi lên hiện nay là plant-based (tức chế độ ăn có thành phần chủ yếu là thực vật với các loại rau củ quả, ăn ít hoặc không ăn thực phẩm từ động vật). Bên cạnh plant-based, còn xu hướng chọn sản phẩm nguồn gốc từ côn trùng, sản phẩm sinh học phát triển từ phòng thí nghiệm hay từ các loại nấm. Ngành bán lẻ cần chú ý đến xu hướng này để cung cấp cho NTD”, bà Vũ Kim Hạnh cho biết.

Doanh nghiệp Việt đang bắt nhịp

Là một nước nông nghiệp, theo các chuyên gia, lẽ ra Việt Nam có rất nhiều lợi thế khi ngành thực phẩm thế giới đang dần phát triển theo hướng sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Do xuất phát điểm thấp, nên ngành thực phẩm Việt Nam vẫn chậm một nhịp so với thế giới.

Dù vậy theo giới kinh doanh, gần đây có nhiều tín hiệu đáng mừng khi thị trường xuất hiện những doanh nghiệp dày công nghiên cứu và đưa ra nhiều sản phẩm có nguồn gốc thực vật, thu hút sự chú ý của NTD trong và ngoài nước. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre đang tận dụng lợi thế xứ dừa 70.000ha để chế biến ra những sản phẩm hợp thời như dầu ăn organic, nước dừa tươi đóng hộp, sữa dừa, bột cơm dừa, snack dừa… “Khi đi tìm hiểu thị trường, chúng tôi nhận thấy dù thu nhập giảm đi, NTD vẫn quan tâm hơn đến các sản phẩm sạch, không hóa chất để bảo vệ sức khỏe. Do đó, ngoài sản phẩm nguyên chất từ dừa, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm kết hợp một số loại trái cây khác với nước dừa như nước dừa kết hợp chanh leo, dưa hấu hay trái thơm… để tạo ra sản phẩm hoàn toàn tự nhiên nhưng hương vị mới lạ, đáp ứng thị hiếu của NTD”, ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty Dừa Lương Quới, cho biết.

Theo ông Thịnh, doanh nghiệp này đang nghiên cứu để có thể tạo ra sản phẩm ăn ngay từ dừa, như phô mai từ dừa hoặc snack thịt từ dừa. Thực tế, để bắt nhịp với xu thế của thị trường, rất nhiều doanh nghiệp trên cả nước đã và đang tích cực sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường vì đây là con đường lâu dài để có thể tồn tại. Trong lĩnh vực bán lẻ, Saigon Co.op thời gian qua cũng dành ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất xanh, có sản phẩm xanh thân thiện với môi trường. Thậm chí, nhà bán lẻ này 12 năm nay phối hợp cùng Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức “Chiến dịch Tiêu dùng xanh” để thúc đẩy thói quen mua sắm xanh cho người Việt, nhận được sự đồng hành của doanh nghiệp và NTD cả nước. Theo Saigon Co.op, qua mỗi năm tổ chức, chương trình ghi nhận doanh thu bán hàng với sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất xanh tăng vọt - cho thấy doanh nghiệp Việt đã hiểu và nắm bắt xu thế rất rõ ràng.

Tin cùng chuyên mục