Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ: Cần sự đầu tư để đáp ứng nhu cầu

Ngày 8-9, Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) năm 2022 do UBND TPHCM tổ chức đã thu hút gần 300 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước tham dự. Đây là cơ hội “vàng” để DN sản xuất sản phẩm CNHT gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất sản phẩm đầu cuối.
Các doanh nghiệp giới thiệu, trao đổi, tìm hiểu sản phẩm tại hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2022. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các doanh nghiệp giới thiệu, trao đổi, tìm hiểu sản phẩm tại hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2022. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hơn 700 sản phẩm cần nguồn cung

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT, Sở Công thương TPHCM, cho biết, hội nghị lần này thu hút sự tham gia của rất nhiều tập đoàn FDI lớn trên toàn cầu, như: Tập đoàn Samsung Electronics Việt Nam; Techtronic Tools Việt Nam (TTI); Công ty TNHH Panasonic Việt Nam; Công ty TNHH BOSCH Việt Nam; Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam; Công ty Platinum… Các tập đoàn này đã đưa ra hơn 700 danh mục chi tiết linh kiện sản phẩm CNHT cần tìm kiếm nguồn cung nội địa. Trên cơ sở đó, ban tổ chức đã sắp xếp hơn 300 cuộc kết nối trực tiếp cho 20 DN FDI và DN sản xuất CNHT đầu cuối với hơn 120 nhà cung cấp CNHT Việt Nam có tiềm năng tham gia chuỗi cung ứng. 

Đại diện Tập đoàn TTI chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu sản xuất và mở rộng quy mô đầu tư cho 3 nhà máy sản xuất đang hoạt động tại TPHCM, Đồng Nai, tập đoàn đã xây dựng chiến lược tìm kiếm 200 DN cung ứng sản phẩm CNHT trong nước từ nay đến năm 2025. Sản phẩm cần cung ứng rất đa dạng, như mô tơ, ốc vít, bo mạch, công tắc, máy móc, gia công cơ khí, đúc nhôm, lò xo, dây nguồn… Đến nay, đã có 80 DN trong nước trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho Tập đoàn TTI, với khả năng đáp ứng 40% nhu cầu sản phẩm CNHT; 60% nhu cầu còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tương tự, với Tập đoàn Samsung, mục tiêu đặt ra là 250 nhà cung ứng cấp 1 về sản phẩm CNHT nhưng hiện tập đoàn đang tiếp tục tìm kiếm, bởi cho đến nay mới chỉ ở con số dưới 100 DN. 

Nhìn nhận chung về chất lượng sản phẩm CNHT tại Việt Nam, nhiều DN FDI khẳng định, DN nội đã có nhiều bước tiến trong việc cung ứng sản phẩm CNHT. Không chỉ chất lượng, giá thành sản phẩm phù hợp mà chủng loại cũng đa dạng hơn. Song song với việc cung ứng những sản phẩm giản đơn, giá trị gia tăng thấp (như ốc vít, khung nhựa, bao bì, hộp giấy…), những sản phẩm đa chi tiết, cụm linh kiện, sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ các nhóm ngành điện, điện tử, y tế… cũng được nhiều DN đáp ứng. 

Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, trong những năm gần đây, ngành CNHT tại Việt Nam đã và đang có những bước “chuyển mình” tích cực, với khoảng 2.000 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó có khoảng 300 DN tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Ước tính số DN đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT chiếm gần 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo. 

Các doanh nghiệp giới thiệu, trao đổi, tìm hiểu sản phẩm tại Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp sản phẩm CNHT năm 2022. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cần gia tăng nội lực 

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nội lực cung ứng sản phẩm CNHT của các DN Việt Nam còn “mỏng” và “yếu” so với nhu cầu ngày càng tăng của các DN FDI, nhất là trong bối cảnh làn sóng đầu tư của DN ngoại đang đổ mạnh vào Việt Nam. Điều này xuất phát từ thực tế là quy mô sản xuất của DN trong nước còn nhỏ, vốn đầu tư còn yếu. Bên cạnh đó, DN sản xuất CNHT vấp phải nhiều khó khăn, như thiếu quỹ đất đầu tư với chính sách ưu đãi hợp lý, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp còn khó, nhiều DN FDI chưa sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho DN nội… 

Ông Trần Bá Linh, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, cho biết, để có thể trở thành nhà cung ứng sản phẩm CNHT trong ngành điện, điện tử, công ty đã phải đầu tư đổi mới hệ thống quản trị, dây chuyền sản xuất kết hợp nâng cao đội ngũ nguồn nhân lực. Cụ thể, để sản xuất và gia công bo mạch điện tử, công ty đã đầu tư các loại trang thiết bị như máy dán linh kiện Panasonic phiên bản Smart Factory với 2 cánh tay robot. Theo đó, mỗi cánh tay có 16 đầu hút, tốc độ dán 86.000 chip/giờ. Với máy dán này, có thể dán được từ những linh kiện nhỏ nhất đến những linh kiện có độ dài đến 1,2m. Ngoài ra, còn có máy kiểm tra độ dày, lò sấy, máy kiểm tra tính chính xác và tính đầy đủ của tất cả linh kiện trên từng bo mạch… Đặc biệt, vào giữa năm 2022, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã ký kết hợp tác chiến lược cùng Xelex -  DN có đội ngũ chuyên gia giỏi, có năng lực nghiên cứu và phát triển để triển khai sản xuất các thiết bị điện tử có độ khó cao như máy tính bảng, laptop, máy tính... “DN phải đầu tư bài bản công nghệ, nhân sự thì mới có thể tạo ra các sản phẩm CNHT đạt chất lượng, độ chính xác và tính hoàn thiện cao mà các chuỗi cung ứng toàn cầu nói riêng và thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản… cần”, ông Trần Bá Linh nhận xét. 

Chia sẻ với những trăn trở của DN, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, khẳng định, qua các năm tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT đã thu hút 96 DN FDI và sản xuất sản phẩm công nghiệp đầu cuối, kết nối 370 DN CNHT thành phố và các tỉnh có sản phẩm cung ứng phù hợp, có 1.320 cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa các DN với nhau. Số lượng các nhà mua hàng, nhà bán hàng và các cuộc kết nối tăng dần qua từng năm cho thấy hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp sản phẩm CNHT bước đầu đã tạo điều kiện để các DN trong nước tiếp cận, tìm hiểu và nắm bắt những tiêu chuẩn cần thiết để có thể gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều DN trong số đó đã bứt phá và đã có thể trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 hoặc 3, 4 cho DN FDI đầu cuối. Riêng về vấn đề gia tăng nội lực cho DN nội, hiện TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ thành lập khu công nghiệp chuyên ngành dành cho ngành CNHT. Bên cạnh đó, gia tăng nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để DN mở rộng quy mô nhà xưởng, tham gia hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo động lực khuyến khích DN tích cực đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật sản xuất.

Tiến sĩ Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) cho rằng, để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển cho DN sản xuất sản phẩm CNHT, TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung cần thiết phải quy hoạch và xây dựng khu CNHT ứng dụng công nghệ cao. Khu công nghiệp này phải đảm bảo 3 yếu tố: có giá thuê và diện tích cho thuê phù hợp với quy mô sản xuất của DN, có chính sách ưu đãi giá thuê đất, miễn giảm thuế đi kèm để kích thích đầu tư; minh bạch tiêu chí đầu tư; sẵn sàng dịch vụ cung ứng hậu cần để thuận lợi cho DN hoạt động.

Cam kết gia tăng nguồn vốn cho DN CNHT

Ông Daniel Fitzpatrick, Trưởng Dự án Thúc đẩy tiếp cận tài chính cho DN nhỏ và vừa ngành CNHT, thông tin, dự án này hiện đang làm việc với các tổ chức tài chính trên thế giới nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư lãi suất ưu đãi dành cho DN trong nước sản xuất sản phẩm CNHT. Mặt khác, dự án đã phối hợp Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Công thương) triển khai chương trình huấn luyện cách tiếp cận và xây dựng chiến lược tài chính cho hơn 500 DN vừa và nhỏ. Trong đó, đã có 14 DN được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu về tái cấu trúc các khoản nợ và tiếp cận tài chính với khoản vay được phê duyệt lên tới 5 triệu USD. 

Trong thời gian tới, cùng với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, Dự án Thúc đẩy tiếp cận tài chính cho DN nhỏ và vừa ngành CNHT sẽ hướng tới hỗ trợ vốn đầu tư cho các DN sản xuất CNHT nhằm nâng cao năng lực sản xuất, với mức vay tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh; thời gian vay vốn tối đa không quá 7 năm, thời gian ân hạn cho một dự án (vay vốn trung và dài hạn) tối đa là 2 năm; lãi suất cho vay ngắn hạn là 2,16%/năm, trung hạn và dài hạn là 4%/năm. “Dự án Thúc đẩy tiếp cận tài chính cho DN nhỏ và vừa ngành CNHT bắt đầu triển khai năm 2018. Mục tiêu ban đầu của dự án là nhằm hỗ trợ kết nối giữa các DN FDI đầu cuối và các DN sản xuất nhỏ và vừa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy các DN sản xuất có nội lực cung ứng yếu, cần nâng cao hiệu quả hoạt động, phải đầu tư vào kỹ thuật, máy móc thiết bị mới và đào tạo tập huấn để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các DN FDI đầu cuối. Điều này đồng nghĩa DN cần được hỗ trợ vốn”, ông Daniel Fitzpatrick cho biết.

Tin cùng chuyên mục