Sản phẩm công nghệ made in Việt Nam trong nông nghiệp

Nhận thấy hoạt động nông nghiệp còn nhiều bấp bênh trong sản xuất do chưa áp dụng khoa học kỹ thuật, nhiều bạn trẻ đã chế tạo sản phẩm công nghệ cao “made in Việt Nam” ứng dụng trong nông nghiệp, có giá thành rẻ hơn so với công nghệ nước ngoài nhưng chất lượng tương tự.

 

Dự án “Garden bot - Robot nông nghiệp” giúp nông dân đối phó với khí hậu khắc nghiệt
Dự án “Garden bot - Robot nông nghiệp” giúp nông dân đối phó với khí hậu khắc nghiệt
Ứng phó được tác động môi trường

Dự án “Garden bot - Robot nông nghiệp” là hệ thống máy tự động sản xuất trong nước, giúp nông dân quản lý một khu vườn tránh được các tác động xấu từ môi trường. Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (sinh viên Trường Đại học Ngoại thương TPHCM, một thành viên trong dự án) chia sẻ, ý tưởng về hệ thống máy xuất phát từ thực tế khi chứng kiến nông dân phải chăm chút từng luống rau. Chỉ cần thời tiết không thuận lợi như nhiệt độ lúc cao hay quá thấp, mưa nhiều gây ngập, gió mạnh… cũng đã làm sản phẩm giảm chất lượng. Nông dân muốn đầu tư khoa học kỹ thuật nhưng các máy móc tự động trong nông nghiệp đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, có giá thành rất cao.

Theo chị Trang, trong trồng trọt, các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, độ sáng rất quan trọng và quyết định đến sự phát triển của cây. Nhưng để “đối phó” các yếu tố này, nông dân chỉ dựa trên cảm quan và thực hiện thủ công, nên độ chính xác không cao. Nếu một trang trại có nhiều loại cây, mỗi cây có những yêu cầu về nhiệt độ, độ ẩm khác nhau, nông dân sẽ càng thêm khó khăn khi ứng phó với môi trường. Nhận thấy điều này, nhóm dự án đã cho ra sản phẩm Garden bot tạo hệ thống thực hiện các công việc trên hoàn toàn tự động: theo dõi các yếu tố cây trồng theo từng đối tượng, có thể tưới nước; thu thập nhiệt độ, độ ẩm, độ sáng cho từng vùng cây trồng khác nhau để cây phát triển tốt.
“Chúng tôi đã mang hệ thống Garden bot áp dụng tích hợp vào các hệ thống nhà vòm, nhà kính để hoạt động. Hiệu quả từ khi có Garden bot: Cây trồng không còn phụ thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm bên ngoài của môi trường, có thể tránh được ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết; đặt lịch thực hiện các công việc định kỳ hoặc theo sự kiện, giúp chăm sóc tưới nước, bón phân. Việc điều khiển hệ thống (khởi động, tắt) thực hiện từ xa bằng laptop, điện thoại, máy tính bảng qua kết nối internet”, chị Trang chia sẻ.

Kiểm soát được chất lượng

Dự án “Nông nghiệp công nghệ cao IFF - Thiết bị nông nghiệp” hướng đến mục tiêu tạo ra thực phẩm sạch bằng quản lý công nghệ cao. Sản phẩm là sự kết hợp giữa cơ khí và điện tử. Tùy vào từng loại cây mà thiết bị trung tâm sẽ đưa ra các lệnh để việc trồng trọt được tiến hành tự động hóa hoàn toàn, không cần con người can thiệp. Nhờ vậy, tạo điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng và phát triển, tiết kiệm tài nguyên nhưng lại tăng được năng suất và chất lượng của sản phẩm.

Theo một thành viên dự án - anh Phan Thanh Phong (sinh viên Trường Đại học Văn Hiến), trước tình trạng nông sản “bẩn” gây lo ngại cho người tiêu dùng, nhóm dự án đã có ý tưởng phải kiểm soát được chất lượng bằng công nghệ cao, nhằm phát triển nền nông nghiệp sạch. “Từ năm 2015, chúng tôi đã bắt đầu tìm hiểu nông nghiệp để cho ra giải pháp nông sản sạch nhờ công nghệ cao. Thị trường đầu tiên dự án nhắm tới là nông nghiệp đô thị. Những công nghệ của chúng tôi giúp có thể trồng khép kín bằng điều hòa nhiệt độ, đèn led, toàn bộ điều chỉnh hoàn toàn tự động. Với nền tảng là thiết bị sử dụng trong trồng rau mầm thành công, chúng tôi đã mở rộng tính năng của sản phẩm với hệ thống thiết bị cho nhà màng, bao gồm hệ thống cảm biến, phần mềm trên máy tính, quản lý trên trang mạng và ứng dụng trên điện thoại”, anh Phong cho biết .
 Dự án “Garden bot - Robot nông nghiệp” đã đoạt giải ba cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng; giải khuyến khích lĩnh vực cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; giải nhất cuộc thi “Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” của Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. 
Dự án “Nông nghiệp công nghệ cao IFF - Thiết bị nông nghiệp” đoạt giải nhì cuộc thi “Sáng tạo ứng dụng trẻ 2016” của Thành đoàn TPHCM; giải ba cấp quốc gia cuộc thi “Start up Studen Idea” do Trung ương Hội Sinh viên tổ chức; giải nhì kết cuộc thi “Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Tin cùng chuyên mục