Sân khấu kịch và những điểm son

Trong năm 2017, sân khấu kịch nói đã đạt được những điểm son, giúp những người làm nghề có thêm niềm tin vào sự thay đổi và phát triển tốt đẹp của sân khấu trong năm 2018. Chào xuân mới 2018, hoạt động của các sân khấu kịch tại TPHCM lại rộn ràng với hàng loạt kế hoạch, dự án tổ chức biểu diễn, ra mắt vở mới, đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. 

Kịch chính trị khoác áo mới
Vở kịch Dấu xưa (tác giả Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc) được Thường trực Thành ủy TPHCM chỉ đạo Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B dàn dựng và lưu diễn, là hoạt động nằm trong kế hoạch triển khai Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Một vở kịch về Bác Hồ, nặng tính chính trị, nhưng với quan điểm, tay nghề và góc nhìn của một nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm dàn dựng, đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc đã khéo léo xây dựng một câu chuyện kể về Bác rất chân thực, nhẹ nhàng, tình cảm, có chiều sâu, tình tiết câu chuyện cuốn hút, khiến người xem dễ dàng cảm nhận và rung động.
Trong năm 2017, Dấu xưa đã liên tục diễn nhiều suất tại các cơ quan, trường học, khu công nghiệp, phục vụ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên... và nhận được sự phản hồi khá tốt. Tuy là vở chính kịch với những tình tiết của quá khứ, nhưng tính thời sự của Dấu xưa khiến khán giả liên tưởng đến những vấn đề nóng bỏng của xã hội hôm nay. 
Sau Dấu xưa, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã chọn sân khấu kịch của bà “bầu” Hồng Vân để đầu tư dàn dựng vở mới Châu về hợp phố (tác giả Trần Văn Hưng, đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc), với sự tham gia diễn xuất của NSND Hồng Vân, NSƯT Đức Thịnh, NSƯT Trịnh Kim Chi, các nghệ sĩ Thanh Thủy, Minh Nhí, Hoàng Sơn, Huỳnh Đông, Minh Luân, Lê Lộc, Xuân Trang, Xuân Nghị...
Sân khấu kịch và những điểm son ảnh 1 Nhạc kịch Tiên Nga được đầu tư tiền tỷ, đạt cahất lượng nghệ thuật và có tính giải trí cao
Vở kịch chính trị kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, được đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc dàn dựng bằng góc nhìn đơn giản về những thân phận con người đang sống trong giai đoạn lịch sử đặc biệt, bị cuốn xoáy trong dòng chảy cuộc đời nhiều ngang trái. Cách dàn dựng thông qua những suy nghĩ, trăn trở, với đời sống tinh thần rất thật của các nhân vật trong câu chuyện tình và đời thời binh biến, giúp khán giả dễ cảm tác phẩm hơn. Châu về hợp phố sẽ diễn phục vụ 20 suất trong năm 2018.
Đầu tư dựng vở chất lượng
Bên cạnh những vở chính kịch dễ xem, dễ cảm, thời gian qua, hoạt động sân khấu thành phố cũng có sự chuyển mình với sự ra mắt của một số vở kịch hay, chất lượng, vừa có tính giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ, vừa đạt được tiêu chí về giải trí cho khán giả.
Dấu ấn đầu tiên trong năm là vở nhạc kịch Tiên Nga - một hợp soạn của NSND Năm Châu, NSƯT Nguyễn Thị Minh Ngọc và Nguyễn Hồng Dung; biên kịch và đạo diễn NSƯT Thành Lộc; âm nhạc Đức Trí; khiến đông đảo công chúng, đặc biệt là những người làm nghệ thuật cảm thấy thích thú, hứng khởi, vì sự đầu tư kịch bản chỉn chu, dàn diễn viên giỏi nghề, dàn bè chuyên nghiệp, dàn nhạc và hiệu ứng âm thanh sống động.
Nhiều người trong nghề nhìn nhận, vở nhạc kịch đáp ứng rất tốt cả về phần nghe và nhìn. Từ cảm xúc với Tiên Nga, những người làm nghệ thuật thấy phấn chấn, có thêm động lực, niềm tin để định hướng hoạt động phát triển nghề trong năm 2018. 
Bên cạnh Idecaf, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vẫn giữ vững thương hiệu và phong cách kịch tâm lý tình cảm xã hội bằng vở chính kịch Hồi xưa biển ngọt (cảm tác từ truyện ngắn Chuyện tình bên sông của Việt Khuê, tác giả Hoàng Thái Thanh - Hoa Hiền, đạo diễn Ái Như).
Sân khấu kịch và những điểm son ảnh 2 Nhạc kịch thiếu nhi Bé chịu chơi hấp dẫn, lôi cuốn cả người lớn và trẻ em
Xem kịch, khán giả không chỉ khóc cười với vai diễn của NSƯT Thành Hội, nghệ sĩ Ái Như, mà còn cảm nhận nhiều cung bậc cảm xúc của các nhân vật do dàn diễn viên trẻ thủ diễn. Chính sự trưởng thành của dàn diễn viên trẻ Hoàng Thái Thanh là thành công lớn của sân khấu kịch xã hội hóa nghiêm túc này.  
Riêng vở nhạc kịch Bé chịu chơi do ê kíp biên đạo múa Tấn Lộc, nghệ sĩ Thanh Thủy, đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Duy, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Thanh, nhóm kịch Buffalo cùng hợp tác thực hiện, đã tạo được ấn tượng với khán giả ở TPHCM và Hà Nội bằng không gian sân khấu lung linh, hoành tráng, đậm sắc màu trẻ thơ.
Góp phần làm nên sức sống của vở nhạc kịch chính là 10 ca khúc do nhạc sĩ Nguyễn Thiện Thanh sáng tác, thể hiện trọn vẹn những tâm tư, tình cảm nhân vật trong từng phân cảnh, lột tả được tâm trạng của các tuyến nhân vật trong câu chuyện kể đầy hấp dẫn. Các loại hình nghệ thuật nhạc kịch, xiếc, rối, được kết hợp hợp lý, tạo những hiệu ứng hình ảnh sinh động, lôi cuốn, đa sắc. 
Các vở kịch, nhạc kịch được đầu tư dàn dựng trong năm 2017 đã tạo nên những hiệu ứng rất tốt từ phía khán giả. Xu thế làm kịch vừa đạt chất lượng nghệ thuật, vừa đậm tính giải trí, chính là phương hướng hoạt động và phát triển hợp lý, đúng đắn cho mô hình sân khấu kịch xã hội hóa trong thời điểm hiện nay. Chính cách làm nghệ thuật có trách nhiệm của các nghệ sĩ sẽ giúp cho hoạt động của sân khấu thành phố được nâng chất, đồng thời giữ chân và thu hút khán giả.

Tin cùng chuyên mục