Sân khấu cải lương: Thiếu chiến lược đầu tư, bảo tồn và phát triển

Ngày 28-4, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, Hội Nghệ sĩ Việt Nam, Hội Sân khấu TPHCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918 - 2018) - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”
Đến dự hội thảo có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Thực trạng ngổn ngang
Mở đầu hội thảo, PSG-TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nhấn mạnh: “Trải qua lịch sử 100 năm phát triển, sân khấu cải lương có nhiều biến động với những bước thăng trầm... Có thể phân định thành 3 giai đoạn phát triển chính của sân khấu cải lương: Từ năm 1918 - 1945, cải lương có những bước phát triển đột phá với những thành tựu quan trọng trên các phương diện kịch bản, âm nhạc, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn; từ năm 1945 - 1986, cải lương hai miền Nam - Bắc sáng rực với các tác phẩm đậm chất anh hùng ca, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quật cường chống ngoại xâm (cũng trong giai đoạn này, cải lương bị hiểu và đánh giá sai, bị quy kết nặng nề, nhưng ngay sau đó, những sai lầm được khắc phục); giai đoạn thứ ba, từ năm 1986 đến nay, khi đất nước phát triển và hội nhập, cải lương đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, từ sự cạnh tranh gay gắt của các phương tiện nghe nhìn và cả sự thiếu quan tâm của các cơ quan hữu quan... 100 năm sân khấu cải lương, cả hai miền Nam - Bắc đều không có một nhà hát cải lương nào mới được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn, đẹp, hiện đại, có thể đáp ứng tốt yêu cầu cơ bản nhất của hoạt động tổ chức biểu diễn sân khấu cải lương truyền thống”. 
"100 năm sân khấu cải lương, cả hai miền Nam - Bắc đều không có một nhà hát cải lương nào mới được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn, đẹp, hiện đại..." - PSG-TS Nguyễn Thế Kỷ
Ngay tại TPHCM, có rạp Hưng Đạo mới được xây dựng trên nền rạp cũ nhưng cũng đầy rẫy lỗi thiết kế, nhiều hạng mục công trình dôi dư không cần thiết, kém chất. Thị trường tổ chức biểu diễn luôn thiếu những điểm diễn ổn định; thiếu những tác phẩm sân khấu hay, chất lượng; thiếu đội ngũ làm nghề tài năng được đào tạo rèn nghề bài bản, chuyên nghiệp.
“Chính sự thiếu hụt rất lớn về nguồn nhân lực làm nghề, giữ nghề, cùng góp sức phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương là vòng luẩn quẩn khiến nghệ thuật cải lương không có lối ra. Từ nhiều năm qua, đội ngũ sáng tác kịch bản văn học ngày một thưa vắng. Không có kịch bản hay, tức là không có tác phẩm hay để thu hút công chúng. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt rất lớn lực lượng đạo diễn, diễn viên cải lương. Nghệ sĩ thành danh hiện còn ít, đa số tuổi cao sức yếu, trong khi đó lớp đạo diễn, diễn viên trẻ tài năng lại chưa được quan tâm đào tạo, nhiều người bị phân tâm trong nỗi lo mưu sinh. Cơ chế, chính sách, nguồn lực cho nghệ thuật cải lương và các nghệ sĩ cải lương còn thiếu, yếu không đồng bộ, còn nhiều hạn chế, bất cập. Các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương không phải lúc nào cũng có sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời, đúng đắn, hiệu quả”, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhấn mạnh. 
"Chính sự thiếu hụt rất lớn về nguồn nhân lực làm nghề, giữ nghề, cùng góp sức phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương là vòng luẩn quẩn khiến nghệ thuật cải lương không có lối ra" -  NSND Lê Tiến Thọ
Ngay cả công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng đang ở thế thụ động và bị động, như NSND Trần Ngọc Giàu nhận định: “Đào tạo đạo diễn sân khấu hiện nay cũng còn nhiều lúng túng. Trường sân khấu cần xem lại giáo trình đào tạo, đầu vào, đầu ra”.
Sân khấu cải lương: Thiếu chiến lược đầu tư, bảo tồn và phát triển ảnh 1 Cảnh trong vở Thầy Ba Đợi. Ảnh: NGỌC VÂN
Không thể bỏ mặc cải lương
Một lực lượng đóng vai trò quan trọng trong phát triển nghệ thuật truyền thống, đó chính là khán giả. Nếu sân khấu không có vở diễn hay, chắc chắn khán giả không thích xem, nhàm chán, lâu dần thành thói quen và mặc định: Cải lương hết thời!
NSƯT Trần Minh Ngọc tâm tư: “Khán giả thay đổi, xã hội thay đổi mà cải lương không thay đổi thì không thể theo kịp. Cải lương hiện đang ở tình trạng kịch nói hóa. Cần phải trả cải lương về đúng vị trí. Đào tạo hôm nay có rất nhiều chỗ khuyết. Trong đó, quan trọng là phải đào tạo đạo diễn cải lương thành thạo bài bản. Bây giờ đa số là những người làm kịch nói nhảy qua làm cải lương. Trước đây, sân khấu phải đi trước khán giả, dẫn dắt khán giả, nhưng nay sân khấu đang phải chạy theo khán giả...”.
“Khán giả thay đổi, xã hội thay đổi mà cải lương không thay đổi thì không thể theo kịp" - NSƯT Trần Minh Ngọc
Trước những bất cập tồn tại từ nhiều năm qua, tại hội thảo “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918 - 2018) - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”, các nhà nghiên cứu, người làm nghề đã có những đề xuất, mong mỏi cấp thiết về sự thay đổi tươi sáng hơn cho nghệ thuật sân khấu cải lương truyền thống. Những ý kiến phát biểu đều nhất quán với quan điểm: Các cơ quan quản lý văn hóa, các ban ngành hữu quan cần phải nhanh chóng có chủ trương phát triển nghệ thuật cải lương cụ thể, trong đó chú trọng những giải pháp hữu hiệu để sân khấu cải lương tồn tại, phát triển cùng thời đại. Đó là đổi mới cơ chế chính sách với nghệ thuật cải lương; thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về văn hóa nghệ thuật; đầu tư xây dựng nâng cấp sân khấu, trang thiết bị hiện đại; tinh gọn hiệu quả hiệu lực bộ máy, rà soát và thay đổi chế độ đãi ngộ nghệ sĩ; thúc đẩy công tác lý luận phê bình bằng những công trình mang tính chuyên nghiệp; nâng cao chất lượng giảng viên cơ hữu; chú ý phát triển tài năng trẻ - quan tâm bồi dưỡng tài năng cải lương, đạo diễn, diễn viên, âm nhạc; giải quyết đầu ra cho sinh viên sân khấu cải lương; bồi dưỡng nâng cao định hướng thẩm mỹ công chúng…
Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn trăn trở: “Khi đã khẳng định là di sản văn hóa dân tộc thì cần phải gìn giữ, bảo tồn và thúc đẩy phát triển. Theo đó, nhà nước cần phải có sự đầu tư theo chiến lược, dự án, kế hoạch về lâu dài. Không thể bỏ mặc cho cải lương tự hoạt động dựa trên nguồn tự thu tự chi, hay dựa vào khán giả. Không có sự đầu tư, chấn chỉnh, thay đổi thì cải lương khó mà hay hoặc phát triển tốt hơn. Khi cải lương dở chắc chắn khán giả sẽ quay lưng với sân khấu”.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nêu yêu cầu: “Các cấp, các ngành, đơn vị quản văn hóa từ Trung ương đến các tỉnh thành, chính quyền địa phương, nhất là các tỉnh thành phố phía Nam, cần quan tâm nhiều hơn, tạo nguồn lực và điều kiện nhiều hơn giúp nghệ thuật cải lương tiếp tục có chỗ đứng vững chắc trong nghệ thuật truyền thống của đất nước, trong không gian văn hóa của cải lương và đờn ca tài tử Nam bộ”.

Tin cùng chuyên mục