Sàn giao dịch vận tải ế ẩm!

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) sau 2 năm đi vào hoạt động, sàn giao dịch vận tải vẫn chưa mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nền kinh tế như đã kỳ vọng. 
Để phát huy hiệu quả sàn giao dịch vận tải cần kết nối với doanh nghiệp tại các KCX, KCN, các cảng. Ảnh: THÀNH TRÍ
Để phát huy hiệu quả sàn giao dịch vận tải cần kết nối với doanh nghiệp tại các KCX, KCN, các cảng. Ảnh: THÀNH TRÍ
Cho đến thời điểm này, số thành viên tham gia và số giao dịch thành công trên sàn rất thấp. Sàn giao dịch ế ẩm trong khi vẫn có tới 40% xe tải phải chạy rỗng một chiều, thực sự là một con số rất đáng suy nghĩ.
Đại diện sàn giao dịch vận tải được thành lập đầu tiên trong cả nước VinaTrucking cho biết, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, đến thời điểm này, tổng số thành viên tham gia sàn giao dịch vận tải chỉ đạt khoảng hơn 1.100 thành viên. Tổng số giao dịch trên sàn chỉ vào khoảng hơn 600 giao dịch và số giao dịch thành công thì quá nhỏ, chỉ khoảng trên dưới 100 giao dịch. Tương tự, sàn giao dịch Sanvanchuyen.vn được lập ra từ cuối năm 2016 cũng trong cảnh đìu hiu không kém. Theo lý giải của các chủ sàn, số giao dịch thống kê được thấp là do hiện các sàn giao dịch vận tải chưa áp dụng cơ chế buộc phải giao dịch 100% trên sàn. Do đó, các chủ xe và chủ hàng chủ yếu lấy thông tin và liên hệ giao dịch với nhau thông qua các thông tin của sàn cung cấp. Không có giao dịch trên sàn cũng đồng nghĩa với việc các sàn giao dịch vận tải hàng hóa hoạt động chưa hiệu quả. Vì sao mang một ý nghĩa rất tích cực, đó là kết nối cung cầu vận tải để tiết kiệm chi phí cho cả hai phía chủ hàng và chủ xe, nhưng sàn giao dịch lại ế ẩm như vậy? 
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp e ngại tham gia giao dịch trên sàn là do chủ xe không muốn minh bạch và công khai các chi phí vận chuyển và khả năng vận chuyển, còn chủ hàng cũng không muốn công khai minh bạch khối lượng hàng hóa, giá cước... vì sợ lộ bí mật kinh doanh. Một số doanh nghiệp cũng phản ánh, việc bắt buộc phải đăng ký tài khoản mới được giao dịch trên sàn khiến họ lo ngại việc kiểm soát thông tin đăng tải trên sàn giao dịch.
Trong khi đó, chế tài xử lý nếu các doanh nghiệp vi phạm lại chưa có hoặc chưa chặt chẽ. Theo các chuyên gia kinh tế, sàn giao dịch vận tải chỉ có hiệu quả thực sự khi các giao dịch được kết nối trên sàn, chủ sàn không đơn thuần chỉ là kết nối cung cầu mà còn phải bảo đảm độ chính xác của thông tin. Các đơn vị tham gia sàn phải được xác minh, kiểm tra đánh giá đúng về uy tín và chất lượng dịch vụ. Chủ sàn phải có trách nhiệm với các giao dịch trên sàn, tham gia vào quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng để bảo đảm quyền lợi các bên. Trong trường hợp doanh nghiệp vận tải có sai phạm, khách hàng có quyền phản ánh và phải có chế tài, quy định để xử lý nghiêm sai phạm đó.
 Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, Bộ GTVT đang chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch vận tải nhằm minh bạch hóa hoạt động vận tải, đặc biệt là để giảm tỷ lệ xe chạy rỗng, tiết kiệm chi phí vận tải, góp phần hạ giá thành sản phẩm. Để thúc đẩy hoạt động của sàn, trong thời gian tới, Tổng cục ĐBVN sẽ tiếp tục hỗ trợ các sàn giao dịch vận tải về hành lang pháp lý và tuyên truyền, khuyến khích các chủ hàng, chủ xe tham gia giao dịch trên sàn. Tuy nhiên, để sàn hoạt động hiệu quả, cần có sự chủ động hơn nữa từ chủ sàn, chủ hàng và chủ xe trong việc kết nối cung cầu.

Tin cùng chuyên mục