Sàn giao dịch khoa học công nghệ: Chưa tính được hiệu quả

Trong những năm gần đây, thị trường khoa học công nghệ (KH-CN) tại TPHCM từng bước hình thành, tăng trưởng về quy mô, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, để sản phẩm công nghệ của các viện, trường, DN… góp phần phát triển thị trường KH-CN, cần thay đổi cách giới thiệu, thống kê để biết sức mua, sức bán.
Thiết bị công nghệ phục vụ sau thu hoạch được giới thiệu tại Chợ thiết bị KH-CN TPHCM
Thiết bị công nghệ phục vụ sau thu hoạch được giới thiệu tại Chợ thiết bị KH-CN TPHCM

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ

Thị trường KH-CN của TPHCM đã dần thu hút đầu tư từ xã hội, cụ thể là các DN, cho mục tiêu đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển, hợp lý hóa sản xuất, đổi mới sáng tạo. Sàn giao dịch công nghệ đã có nhiều đóng góp tích cực trong đẩy mạnh hợp tác kết nối cung - cầu công nghệ, hỗ trợ giới thiệu công nghệ, kết quả nghiên cứu ra thị trường, thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ. Điển hình như mới đây tại Techmart Nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch tổ chức hồi tháng 5, có 87 đơn vị tham gia gian hàng của 4 viện nghiên cứu, 6 trường đại học, 74 DN… với 185 công nghệ được giới thiệu, chào bán.

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2017-2021, sàn giao dịch công nghệ đã triển khai nhiều hoạt động nổi bật, mang lại hiệu quả phục vụ xã hội cao như: đưa vào vận hành Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ - Techport (2017); hội thảo livestream công nghệ (2018); các sự kiện cà phê công nghệ: Hợp tác công nghệ và Kết nối ý tưởng (2020); Chợ công nghệ và thiết bị - Techmart trên nền tảng trực tuyến (2021).

Theo Trung tâm Thông tin và Thống kê KH-CN TPHCM (CESTI ), các kỳ Techmart đa ngành, chuyên ngành đã làm cầu nối cho hơn 1.300 chủ sở hữu công nghệ trong và ngoài nước trưng bày, giới thiệu hơn 5.000 công nghệ, thiết bị. Các kỳ Techmart đã tiếp nhận và tư vấn thông tin cho 1.574 yêu cầu tư vấn, ký kết 141 biên bản ghi nhớ, 29 hợp đồng chuyển giao công nghệ trị giá gần 197 tỷ đồng, thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan, trao đổi trực tiếp tại các gian hàng.

Theo ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN, cả nước hiện có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường KH-CN, trong đó số lượng sàn giao dịch công nghệ phát triển mạnh mẽ. Nếu như trước năm 2015 chỉ có 8 sàn giao dịch công nghệ thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, 1 sàn giao dịch vùng duyên hải Bắc bộ, 1 sàn giao dịch vùng ĐBSCL trong giai đoạn thành lập…

Tìm cách làm mới

Nói về hiệu quả của các sàn giao dịch công nghệ, ông Nguyễn Đức Tuấn, Quyền Giám đốc CESTI, cho biết: “Vai trò của các sàn giao dịch là đáng ghi nhận, song nếu đi tìm kết quả công nghệ được chuyển giao hay bán được lại là chuyện khác. Thật khó thống kê chính xác kết quả mua bán giữa các đơn vị vì sàn mới thực hiện chức năng kết nối, còn mua bán là việc của 2 đơn vị, DN có nhu cầu. Theo tôi, nên xây dựng nguồn dữ liệu mua bán thiết bị công nghệ sau trưng bày tại sàn giao dịch thì mới biết rõ sức mua - sức bán sản phẩm công nghệ”. Thực tế, sàn giao dịch công nghệ ở TPHCM nói chung và cả nước nói riêng còn nặng về tính giới thiệu, sản phẩm được chào bán không nhiều. Các nhà nhiên cứu, viện, trường thường không có sản phẩm mẫu, khó cho các DN có nhu cầu dùng thử hoặc thuê.

Chương trình phát triển thị trường KH-CN quốc gia đến năm 2030 tập trung thúc đẩy nguồn cầu của thị trường KH-CN thông qua việc điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, năng lực giải mã, hấp thụ, làm chủ công nghệ của DN; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn cầu công nghệ và xuất bản báo cáo phân tích nhu cầu công nghệ của một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Nhiều chuyên gia cho rằng, dù hành lang pháp lý phát triển thị trường KH-CN đã được hoàn thiện, song vẫn còn một số tồn tại cần tháo gỡ thời gian tới. Cụ thể, những nội dung hỗ trợ quy định trong Nghị định số 76/2018/NĐ-CP chưa được đưa vào các chương trình quốc gia liên quan để hiện thực hóa các cơ chế hỗ trợ. Nghị định 70/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý tài sản công về xử lý tài sản là kết quả đề tài, dự án sử dụng ngân sách Nhà nước có quy định kết quả nghiên cứu được tạo ra từ ngân sách Nhà nước thì thuộc sở hữu của Nhà nước. Về pháp lý, cần có những chính sách đột phá hơn nữa.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, hiện bộ cùng với các bộ ngành, đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thị trường KH-CN, thúc đẩy các giao dịch hàng hóa KH-CN; xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực cạnh tranh để thúc đẩy DN tham gia thị trường, tạo cơ chế liên thông thị trường KH-CN với thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính và lao động…

Tin cùng chuyên mục