Sàn diễn vắng “sao”

Những năm gần đây, hoạt động tổ chức biểu diễn của sân khấu kịch tại TPHCM rơi vào tình trạng trầm lắng vì thiếu vắng lực lượng nghệ sĩ, diễn viên nòng cốt...
Các suất diễn vở Ác nhân cốc của Sân khấu kịch Idecaf luôn cháy vé
Các suất diễn vở Ác nhân cốc của Sân khấu kịch Idecaf luôn cháy vé

Tình hình hoạt động của sân khấu kịch nói hiện nay đang lặp lại thực trạng của sân khấu cải lương nhiều năm trước. Từ sân khấu kịch công lập đến sân khấu kịch xã hội hóa, trong từng vở diễn luôn thiếu vắng những ngôi sao một thời “làm mưa làm gió”, tạo nên những thương hiệu độc quyền, phong cách sân khấu riêng biệt cho sân khấu kịch xã hội hóa tại TPHCM. 

Cơ chế thị trường phát triển, nhiều loại hình vui chơi, giải trí xuất hiện có sức cạnh tranh cao, hiện đại, nhanh nhạy, đáp ứng nhu cầu của công chúng đã chia bớt thị phần khán giả của sàn diễn kịch nói. Dẫu các ông bà bầu đã cố gắng chạy theo khán giả bằng những tác phẩm hợp thời, nhưng sân khấu kịch truyền thống vẫn không bắt nhịp kịp với những tồn tại, thiếu thốn từ mặt bằng sân khấu, cơ sở vật chất, kỹ thuật, đến nội dung tác phẩm chất lượng, thể hiện tư duy sáng tạo. Hơn thế, việc chia năm xẻ bảy lực lượng nghệ sĩ, diễn viên cho các lĩnh vực giải trí khác như gameshow, chương trình truyền hình, phim ảnh… cũng khiến nhiều sân khấu lao đao, thiếu “sao” làm trụ cột để thu hút khán giả. 

Có thời điểm, Sân khấu kịch Nụ Cười Mới đã tạo được cú bứt phá ngoạn mục vì những vở diễn đậm phong cách hài, có sự tham gia diễn xuất của các ngôi sao tên tuổi như Hoài Linh, Chí Tài, Thanh Thủy, Trường Giang, Nam Thư, Lâm Vỹ Dạ, Hứa Minh Đạt... khiến hầu hết các suất diễn “cháy vé”. Về sau, khi sàn diễn này không còn các sao cộng tác, khán giả thưa vắng hẳn, nhiều suất diễn phải trả vé. Sân khấu kịch Hồng Vân cũng một thời doanh thu được bảo đảm bởi các tên tuổi Hồng Vân, Minh Nhí, Minh Hoàng, Đức Thịnh, Thanh Thúy, Ốc Thanh Vân, Hòa Hiệp, Thái Hòa, Cát Phượng, Trịnh Kim Chi, Trấn Thành… nhưng rồi mỗi nghệ sĩ đã có một lối rẽ riêng và sàn diễn này những năm qua gần như được chuyển giao lại cho thế hệ diễn viên trẻ, sự đầu tư cho kịch bản sáng đèn những ngày cuối tuần chỉ vừa đủ, thiếu vắng những “cây đinh” để bảo toàn phòng vé. 

Tại Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi, ngoài NSƯT Trịnh Kim Chi thì dàn diễn viên trẻ vẫn chưa hội đủ chất và lượng để níu chân khán giả đến rạp. Sân khấu kịch Sài Gòn cũng có những khoảng thời gian vất vả để sáng đèn vì các trụ cột lần lượt kẹt sô diễn bên ngoài. Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ giờ đây cũng không thể lên đèn một số vở diễn vì không ít diễn viên giỏi đã không còn cộng tác, hoặc thường xuyên kẹt lịch. 

Hiện nay, dường như chỉ còn Sân khấu kịch Idecaf giữ được phong độ. Nhiều vở diễn tại đây khán giả phải tranh nhau mua vé, nhiều suất diễn khán phòng phải có thêm ghế súp. Việc giữ được lực lượng nghệ sĩ nòng cốt chính là nhờ sự khéo léo của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. Tuy nhiên, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn vẫn không khỏi lo lắng: “Thực tế, Sân khấu kịch Idecaf vẫn có lúc chật vật vì không thể sắp xếp lịch diễn, sáng đèn vở diễn như kế hoạch, vì một số diễn viên kẹt quay phim, thu hình, tham gia các show truyền hình. Đây là thực trạng ở hầu hết các sân khấu, khiến người làm quản lý đau đầu, nhưng cũng đành chịu”. 

Phải thừa nhận, khi không còn những ngôi sao tham gia các vở kịch, lượng vé bán ra không đủ phủ kín rạp. Thành công của sàn diễn luôn gắn liền với diễn viên, tác phẩm, sự đầu tư dàn dựng, cơ sở vật chất…, nhưng ở thời điểm hiện nay, sân khấu kịch truyền thống đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Về lâu dài, liệu sàn diễn kịch nói có làm được cú lội ngược dòng như nỗ lực của sân khấu cải lương hiện nay: cố gắng sáng đèn với các tác phẩm cải lương kinh điển, thu hút khán giả bằng các vở diễn có ngôi sao sân khấu…? Câu trả lời đầy tâm tư của nghệ sĩ - đạo diễn Ái Như trong đợt kỷ niệm 10 năm thành lập Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cũng là tâm sự của nhiều nghệ sĩ: “Chúng tôi sẽ làm hết sức mình cho sân khấu, cố gắng để sân khấu sáng đèn, cho đến khi không thể cầm cự nổi, khi đó chúng tôi buộc phải nói lời chia tay cùng khán giả tri âm!”. 

Nỗi lòng những người đam mê nghệ thuật, vì sự phát triển chung của văn hóa nghệ thuật TPHCM, giờ chỉ còn hy vọng vào sự biến chuyển trong tương lai, mong các sàn diễn kịch nói sẽ lại lấp lánh những “ngôi sao” và những vở diễn hay để phục vụ khán giả mộ điệu! 

Tin cùng chuyên mục