Sân chơi tài tử chông chênh

Liên hoan Đờn ca tài tử Hoa sen vàng 2019 vừa khép lại với lễ trao giải. Sau 3 ngày diễn ra, không khó nhận ra liên hoan thực sự thiếu vắng lực lượng trẻ. Chưa kể, giải mở rộng năm nay còn chấp nhận sự tham gia tranh tài của cả tài tử chuyên nghiệp lẫn không chuyên, khiến nhiều người không đồng tình.
Chương trình Hồn sen Việt của Trung tâm Văn hóa quận 12
Chương trình Hồn sen Việt của Trung tâm Văn hóa quận 12

Độ chênh của các đơn vị

Vì kinh phí có hạn nên các câu lạc bộ (CLB), đội nhóm đờn ca tài tử cũng chỉ tổ chức được vài buổi tập cho đúng kế hoạch. Ngoài kinh phí bồi dưỡng tập luyện, các đơn vị còn gặp nỗi khó về địa điểm tập, điều kiện tập (thuê người đờn)..., đó là lý do không ít đơn vị chỉ có thể mang đến liên hoan những gì có sẵn và không thể đầu tư mới cho các tiết mục.

Chưa kể, có đơn vị mới thành lập CLB đờn ca tài tử được 2 năm như Trung tâm Văn hóa quận 1 cũng bấm bụng đem CLB đi so tài với những đội mạnh, đã hoạt động cả chục năm.

Ngược lại, có những đơn vị mạnh, “chịu chơi”, thuê hẳn một dàn đờn với những tay đờn quen mặt trong nhiều chương trình, liên hoan, hội thi đờn ca tài tử và “mượn” hẳn các nghệ sĩ chuyên nghiệp tham gia thi đấu. 

Việc đổi mới quy định, mở rộng đối tượng tham gia có cả tài tử đờn ca và nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp, theo ban tổ chức là nhằm nâng chất liên hoan, thu hút nhiều người tham gia và tạo một sân chơi giao lưu học hỏi lẫn nhau, tuy nhiên, sự đa dạng này cũng tạo nên sự cách biệt giữa các đội.

Sau những màn trình diễn quá chuyên nghiệp của những đội mạnh như quận 3 (giải Bạc), quận 12 (giải Vàng)…, vừa bước ra khỏi khán phòng, không ít thí sinh đã than thở: “Dân chuyên nghiệp đi thi làm sao đấu lại, biết trước sẽ lĩnh giải chắc luôn!”. 

Để thu hút giới trẻ

Liên hoan Đờn ca tài tử Hoa sen vàng 2019 do Trung tâm Văn hóa TPHCM tổ chức 2 năm/lần, từ nhiều năm qua đã phần nào đáp ứng nhu cầu của những người yêu thích nghệ thuật đờn ca tài tử. 

Tuy nhiên, tại liên hoan lần này có rất ít gương mặt tài tử trẻ tham gia, rất hiếm gương mặt có giọng ca nổi bật. Một số em kinh nghiệm biểu diễn còn non nên khi bước ra sân khấu bị quên lời, hát sai nhịp, yếu hơi...

Theo người trong nghề, một thực tiễn đáng buồn là nhiều em trẻ tham gia vào CLB, sau một thời gian học hỏi, vững vàng về ca diễn liền nghỉ CLB để chạy show hát kiếm tiền. Điều đó giải thích lý do vì sao dàn tài tử của các CLB, đội nhóm hầu hết đều có tuổi.  

Như vậy, để khuấy động phong trào đờn ca tài tử TPHCM, nâng chất lượng sinh hoạt, tổ chức biểu diễn, cấp thiết phải có sự quan tâm, hỗ trợ đúng mức để các nghệ nhân, tài tử đờn - ca làm nghề, nâng cao trình độ chuyên môn. Một khi có điều kiện tốt, ắt hẳn sức thu hút của nghệ thuật đờn ca tài tử với những người có thực lực sẽ mạnh mẽ, quyết liệt và đạt được kết quả tốt hơn.

Nhạc sĩ Phi Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh, chia sẻ: “Tôi luôn mong muốn qua liên hoan, các chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử sẽ được đưa xuống các trường học, giao lưu và biểu diễn các bài bản tài tử, trích đoạn cải lương, giới thiệu các loại nhạc cụ dân tộc đến các em học sinh. Vì chính các em là đối tượng khán giả mới của sân khấu truyền thống trong tương lai.

Trong số lực lượng khán giả trẻ này cũng ẩn chứa những nhân tố sáng giá cho phong trào đờn ca tài tử cần được nuôi dưỡng. Hoạt động này thật sự rất cần được nhân rộng thêm đến các trường cấp 3 và đại học. Tôi cũng khao khát trong tương lai thành phố có một sân khấu riêng dành cho âm nhạc dân tộc để có những suất diễn định kỳ phục vụ cho nhiều đối tượng khán giả, trong đó có những khán giả mộ điệu, học sinh, sinh viên và khách du lịch quốc tế”.

Tin cùng chuyên mục