Sân chơi đàn tranh: Góp sức giữ gìn âm nhạc dân tộc

Nhiều năm qua, dù tuổi đã cao nhưng NGƯT Thúy Hoan vẫn tất bật ngược xuôi tìm kiếm các nguồn tài trợ để duy trì hoạt động của CLB Tiếng hát quê hương và nay lại tổ chức thêm một sân chơi dành cho bất cứ ai yêu thích nghệ thuật đàn tranh. 
Sân chơi đàn tranh tại Bảo tàng Tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam
Sân chơi đàn tranh tại Bảo tàng Tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam
Đau đáu với nỗi niềm âm nhạc dân tộc truyền thống sẽ dần bị mai một trên con đường hội nhập cùng văn hóa thế giới, lo lắng vì lực lượng người học và chơi đàn tranh tại TPHCM tuy đông nhưng hoạt động rời rạc, NGƯT Thúy Hoan đã bắt tay thực hiện một sân chơi âm nhạc mở rộng vào sáng chủ nhật tuần đầu tiên của mỗi tháng, tại Bảo tàng Tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam. 
Trong buổi giao lưu diễn ra vào sáng chủ nhật 7-1, hơn 40 nghệ sĩ, sinh viên, học sinh, những người đam mê bộ môn đàn tranh, công chúng TPHCM và một số du khách nước ngoài đã có dịp cùng thưởng thức một loạt tác phẩm âm nhạc cổ truyền, dân ca và những tác phẩm âm nhạc mới như: Trống cơm, Đoản xuân ca, Lý cây bông, Tình ca xứ Huế, Lưu thủy kim tiền, Văn thiên tường, Cung đàn quê mẹ, Xuân chiến khu, Cò lả… Anh Alex Madrigal, thạc sĩ giáo dục Đại học Framingham, Massachusetts, Hoa Kỳ, hiện là giảng viên Trường Quốc tế Mỹ, đã học đàn tranh được một năm, cùng tham gia giao lưu biểu diễn và tạo được ấn tượng với người nghe về sự thẩm thấu những giai điệu âm nhạc truyền thống Việt Nam. 
NGƯT Thúy Hoan chia sẻ: “Từ lâu, phong trào học đàn tranh đã lan tỏa khắp nơi. Thành phố có một đội ngũ học đàn tranh khá đông, nhưng lại hoạt động tản mát. Khi muốn thực hiện một chương trình nghệ thuật lớn, muốn biểu dương lực lượng dạy và học thì không thể tập hợp được mọi người. Vậy nên, tôi cố gắng tổ chức và nỗ lực duy trì sân chơi này nhằm nối kết các đội nhóm. Tham gia sân chơi này, các em sẽ thấm và hiểu thêm những cái hay của kỹ thuật trình diễn đàn tranh, nâng cao được tay nghề. Từ đây, tôi hy vọng trong năm nay sẽ thực hiện được một nhạc hội đàn tranh quy mô, ý nghĩa, nhằm giúp quảng bá sâu rộng hơn nghệ thuật đàn tranh và âm nhạc dân tộc truyền thống đến với công chúng”.  
Nhiều năm qua, dù tuổi đã cao nhưng NGƯT Thúy Hoan vẫn giữ được ngọn lửa tâm huyết với nghệ thuật, miệt mài theo đuổi nghề giáo, thường xuyên giao lưu biểu diễn, tất bật ngược xuôi tìm kiếm các nguồn tài trợ để duy trì hoạt động của CLB Tiếng hát quê hương và nay lại tổ chức thêm một sân chơi âm nhạc dân tộc mở rộng, dành cho bất cứ ai yêu thích nghệ thuật đàn tranh. Với tình yêu nghệ thuật dành cho cây đàn thập lục và lòng mong mỏi được góp sức gìn giữ và phát huy nghệ thuật âm nhạc dân tộc truyền thống, NGƯT Thúy Hoan rất hy vọng thông qua hoạt động của sân chơi, sẽ hội tụ được một lực lượng những người chơi đàn tranh chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp cùng chung tay góp sức đẩy mạnh hoạt động giao lưu biểu diễn và quảng bá âm nhạc dân tộc tại TPHCM. 
Để tạo thêm những không gian quảng bá nghệ thuật trình diễn đàn tranh, vào tối 27-1, tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM, NGƯT Thúy Hoan sẽ tổ chức chương trình giao lưu biểu diễn với 3 nghệ sĩ Nhật Bản. Các thành viên CLB Tiếng hát quê hương sẽ trình diễn một loạt tác phẩm âm nhạc dân tộc truyền thống, sau đó cùng hòa tấu đàn tranh và đàn koto những tác phẩm âm nhạc dân ca hai nước.

Tin cùng chuyên mục