Sai phạm trong chuyển nhượng 43 ha đất công ở Bình Dương

Sau vụ việc Công ty Tân Thuận (TPHCM) chuyển nhượng 32 ha đất trái phép cho công ty Quốc Cường Gia Lai, dư luận lại thêm một phen dậy sóng khi một công ty trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương cũng có  hành vi tự ý chuyển nhượng 43 ha đất công với giá bèo. 

Thanh tra nhà nước tỉnh Bình Dương đang vào cuộc và dư luận đang đòi hỏi trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan cần phải được làm rõ và xử lý đến nơi đến chốn. 

Khuất tất trong góp vốn, chuyển nhượng dự án

Tổng Công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (PROTRADE) tiền thân là Xí nghiệp Sản xuất hàng cao su 3-2 Sông Bé, thành lập theo Quyết định số 06/QĐ-TU ngày 20-10-1982 của Tỉnh ủy Sông Bé (nay là Tỉnh ủy Bình Dương) được giao quản lý, sử dụng khu đất rộng 43 ha, thuộc Khu liên hợp Công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương, rộng hơn 567 ha đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập từ năm 2003, nằm ngay trong khu vực đắc địa bậc nhất TP mới Bình Dương. Khu 43 ha này nằm ngay giao lộ Võ Văn Kiệt - Phạm Ngọc Thạch, rất gần tòa tháp Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh và xung quanh có hạ tầng giao thông được đầu tư hoàn chỉnh với nhiều tuyến đường lớn như Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ, Mỹ Phước - Tân Vạn. 

Năm 2010, PROTRADE xin chủ trương hợp tác với Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc) thành lập liên doanh là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và kinh doanh Tân Phú để phát triển dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú (Khu đô thị Tân Phú) trên diện tích 43 ha, trong đó PROTRADE góp 30%  cổ phần với giá trị vốn góp 60 tỷ đồng, Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ và được Tỉnh ủy Bình Dương đồng ý. 

Nhưng điều đáng chú ý, ngày 21-7-2010, PROTRADE gửi công văn tới Tỉnh ủy Bình Dương xin được hợp tác với Công ty Âu Lạc thành lập liên doanh, nhưng trước đó, ngày 1-7-2010, PROTRADE đã bắt tay với Công ty Âu Lạc bằng hợp đồng thỏa thuận thành lập liên doanh mang tên Công ty Tân Phú. 

Đến năm 2017, PROTRADE lại xin chủ trương chuyển nhượng 30% cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và kinh doanh Tân Phú để dồn nguồn lực thực hiện công việc khác. Đề xuất này cũng đã được Tỉnh ủy Bình Dương cho phép triển khai với chủ trương nhất quán là việc hợp tác liên doanh phải thực hiện bằng tiền, đồng thời chỉ đạo PROTRADE phải thuê đơn vị tư vấn độc lập để thẩm định giá trị tăng thêm của vốn góp ban đầu làm cơ sở đàm phán, tránh thiệt hại cho nhà nước và đúng quy định của pháp luật (được quy định tại Nghị định 91/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp). 

Trước đó, vào tháng 11-2016, khu đất 43 ha đã được PROTRADE chuyển nhượng cho Công ty Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng, tương đương với giá bán 581.600 đồng/m2. Trong khi đó, theo khung giá đất ở tại khu vực dự án Khu đô thị Tân Phú năm 2016 được UBND tỉnh ban hành, mức giá chuẩn tại vị trí 1 là 24,57 triệu đồng/m2, vị trí 2 là 7,7 triệu đồng/m2 và vị trí 3 là 5,64 triệu/m2. Tính theo giá trung bình các vị trí đất liền kề thì khu 43 ha có giá khoảng 6.200 tỷ đồng.

Cần làm rõ trách nhiệm

Khuất tất của vụ việc lên đến đỉnh điểm khi PROTRADE có công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương xin điều chỉnh phương án sử dụng đất, trong đó 30% vốn góp với Công ty Âu Lạc là bằng quyền sử dụng đất chứ không phải bằng tiền, dù biết chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy chỉ cho PROTRADE góp 30% vốn bằng tiền. Đến ngày 10-10-2018, Tỉnh ủy Bình Dương ra Thông báo số 512 quyết định thu hồi chủ trương đã cho chuyển nhượng 30% vốn góp tại liên doanh Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và kinh doanh Tân Phú để làm rõ. 

Nhưng khuất tất lớn nhất cần phải được làm rõ là có hay không việc các quan chức của PROTRADE tiếp tay cho doanh nghiệp bất động sản thâu tóm “đất vàng” không thông qua đấu giá. Sau khi phi vụ trót lọt, liên doanh Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và kinh doanh Tân Phú  nhanh chóng thay đổi người đại diện pháp luật và tới ngày 29-6-2018, tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được đăng ký thay đổi lần thứ 6, thì thông tin chủ sở hữu của liên doanh Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và kinh doanh Tân Phú chính là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Kim Oanh. 

Làm việc với Sở Xây dựng về dự án Khu đô thị Tân Phú, chúng tôi được biết: Đã có thời điểm Công ty Tân Phú rao bán các nền đất, mời gọi tham gia thông qua hình thức góp vốn đầu tư khá rầm rộ. Và điều này càng có cơ sở khi trong quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt năm 2018, Khu đô thị Tân Phú được chia làm nhiều phân khu, trong đó đất ở chiếm 46,85% với  hơn 2.000 thửa đất được quy hoạch phân lô nhà ở liên kế và biệt thự. Và ngày 12-2-2018,  Công ty Tân Phú đã bị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính vì tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định và yêu cầu công ty này ngừng việc thi công xây dựng tại dự án và phải lập thủ tục xin phép xây dựng theo quy định.

Tin cùng chuyên mục