Sai phạm tại Công ty Tân Thuận: Có dấu hiệu lợi ích nhóm

Khi giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại công ty thành viên, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) đã không thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục và “qua mặt” UBND TPHCM. Sai phạm này có dấu hiện lợi ích nhóm, có khả năng gây thiệt hại cho vốn Nhà nước.

Như chúng tôi đã thông tin, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Thanh tra TPHCM chuyển hồ sơ cho công an điều tra làm rõ việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC). Trước đây, HIPC có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó IPC sở hữu 60,8% (hơn 182 tỷ đồng). Năm 2016, HIPC đề xuất tăng vốn điều lệ lên thành 600 tỷ đồng bằng phương án phát hành 30 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu (10 triệu cổ phần) và cổ đông chiến lược (20 triệu cổ phần). Công ty Tuấn Lộc được chỉ đích danh là cổ đông chiến lược. Từ đề xuất của nhóm đại diện vốn của IPC tại HIPC, IPC chỉ đạo nhóm này biểu quyết thống nhất với phương án trên và biểu quyết thống nhất phát hành 20 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Tuấn Lộc.

HIPC đã hoàn tất việc phát hành 30 triệu cổ phần tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn Công ty Tuấn Lộc làm cổ đông chiến lược đã không được báo cáo đầy đủ, minh bạch cho UBND TPHCM. Việc xây dựng tiêu chí đối với nhà đầu tư chiến lược không có lợi cho HIPC. Cùng đó, giá phát hành không đúng thực tế giá trị tài sản và tiềm lực của HIPC, không đảm bảo lợi ích cho HIPC và các cổ đông hiện hữu… Từ việc phát hành này, tỷ lệ sở hữu của IPC tại HIPC giảm còn 40,5%. Tương tự, tỷ lệ biểu quyết của IPC cũng bị sụt giảm, làm ảnh hưởng đến việc chi phối các quyết sách, chiến lược phát triển trong tương lai của HIPC.

Cơ quan thanh tra xác định, HIPC hoạt động kinh doanh hiệu quả, vốn đầu tư Nhà nước vào doanh nghiệp này được bảo tồn và phát triển. Cổ tức HIPC chia cho các cổ đông hàng năm cao và việc tiếp tục đầu tư vào HIPC thì khả năng nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư cùng gia tăng giá trị nằm trong tầm tay. Đặc biệt, HIPC giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện dự án chiến lược (nằm trong mục tiêu quan trọng phát triển công nghiệp, khu đô thị phía Nam của thành phố), là Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 3. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị HIPC xây dựng phương án phát hành số lượng cổ phần cho cổ đông chiến lược gấp đôi cổ đông hiện hữu là không đảm bảo lợi ích cho HIPC.

Về phía mình, IPC đã chỉ đạo nhóm đại diện vốn biểu quyết tăng vốn đầu tư vào HIPC và chỉ đạo bổ sung tiêu chí nhà đầu tư chiến lược mà không báo cáo UBND TPHCM. IPC cũng không báo cáo UBND TPHCM về việc Đại hội đồng cổ đông HIPC đã chọn Công ty Tuấn Lộc làm nhà đầu tư chiến lược. Cùng đó, giá bán cho Công ty Tuấn Lộc chỉ 15.000 đồng/cổ phần cũng không phù hợp, có khả năng gây thiệt hại cho cổ đông hiện hữu và Nhà nước.

Việc “định giá” cổ phần nêu trên do Công ty TNHH Thẩm định giá MHD tư vấn (sau này MHD cho rằng đã không được HIPC cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu phục vụ việc định giá). Bước đầu, cơ quan chức năng xác định IPC vi phạm Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; HIPC vi phạm Luật Giá. Đặc biệt, IPC nắm giữ tỷ lệ chi phối (60,8% vốn điều lệ) ở HIPC thì hoàn toàn có quyền bác phương án phát cổ phiếu cho cổ đông chiến lược. Vậy nhưng, IPC (với vai trò quản lý vốn Nhà nước tại HIPC) vẫn quyết định phát hành 20 triệu cổ phần cho Công ty Tuấn Lộc mà không đảm bảo hiệu quả cho HIPC. Theo Thanh tra TPHCM, sai phạm này có dấu hiệu lợi ích nhóm, có dấu hiệu vi phạm quy định về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (theo Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 2015).

HIPC cho biết, trong tháng 8-2018, HIPC đã thỏa thuận với Công ty Tuấn Lộc để chấm dứt hợp đồng hợp tác chiến lược giữa 2 bên. Đồng thời, HIPC mua lại toàn bộ 20 triệu cổ phần chiến lược đã phát hành, nhằm duy trì tỷ lệ chi phối của IPC tại HIPC như trước khi tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu Thanh tra TPHCM chuyển hồ sơ vụ việc cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó có điều tra việc Công ty TNHH Thẩm định giá MHD đã định giá cổ phần của HIPC không phù hợp giá thị trường, dẫn đến khả năng gây thiệt hại cho Nhà nước.

Về các sai phạm khác xảy ra tại IPC, lãnh đạo UBND TPHCM giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, các cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm, trong đó có trách nhiệm của Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc và các cá nhân có liên quan sai phạm thời kỳ phát sinh vụ việc. Từ đó, Sở Nội vụ tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp, đề xuất bố trí người quản lý đảm bảo tiêu chuẩn, năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao, toàn tâm, toàn ý với lợi ích Nhà nước và vì sự phát triển của IPC. Các nội dung này phải được thực hiện trong 30 ngày, kể từ ngày UBND TPHCM có văn bản kết luận, chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra.

Vào các năm 2016, 2017, ông Tề Trí Dũng, Tổng Giám đốc IPC, được IPC cử làm đại diện vốn Nhà nước tại 4 công ty, vượt mức tối đa theo quy định (không quá 3 doanh nghiệp) của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước. Ngoài ra, IPC còn cử đại diện vốn giữ chức danh trưởng ban kiểm soát không chuyên trách ở Công ty cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn - ESL (công ty con); Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước - HIPC, Công ty cổ phần Long Hậu - LHG (là các công ty liên kết) và Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Hiệp Tân - HTC (công ty liên doanh) không đúng Luật Doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục