Sài Gòn tương giao

Triển lãm “Sài Gòn tương giao” trưng bày hơn 20 tác phẩm của sinh viên năm cuối ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo - Đại học RMIT tại Bảo tàng TPHCM. Những câu chuyện đời thường của người dân TP được kể lại theo một cách mới, chân thật và sinh động, thể hiện nhiều góc nhìn khác nhau của giới trẻ về một Sài Gòn - TPHCM năng động, sáng tạo nhưng cũng rất gần gũi, thân thương.
Khách tham quan triển lãm “Sài Gòn tương giao”
Khách tham quan triển lãm “Sài Gòn tương giao”

Tác phẩm “OFF” của Nguyễn Vũ Thiên Kim gây thích thú với nhiều bạn trẻ bởi nội dung xoay quanh đời sống sinh viên và những câu chuyện hè phố dung dị. Mô hình trạm xe buýt Bến Thành thu nhỏ, khuyến khích tương tác với khách xem như viết, vẽ… Người tham gia sẽ có trải nghiệm mới và thể hiện thoải mái những cảm xúc về những câu chuyện, cảm nhận của họ về TPHCM.

“Vì là dân trong nghề thiết kế nên tôi rất quan tâm đến những triển lãm thế này, một góc nhìn về thị thành đúng chất trẻ và hiện đại như chính các bạn sinh viên làm nên tác phẩm. Đôi khi tình yêu dành cho một vùng đất không hẳn là những câu chuyện văn hóa, lịch sử mà chính những điều bình thường trong cuộc sống hàng ngày làm người ta yêu mến nơi mình ở”, Lý Thị Mỹ Hạnh (29 tuổi, nhân viên thiết kế đồ hoạ, ngụ quận 4) chia sẻ.

“Sài Gòn tương giao” là kết quả của dự án kéo dài 3 tháng giữa Bảo tàng TPHCM và RMIT về những đổi thay đô thị ở TPHCM. Mục tiêu chung của dự án là kết nối TP với người dân, các bạn sinh viên đã thể hiện ý tưởng theo hình thức phong phú, từ dự án video và nhiếp ảnh cộng đồng đến trưng bày tác phẩm nghệ thuật công cộng, diễu hành trên xe máy, khám phá TP bằng xe đạp, cũng như các ý tưởng mới lạ khác. Khuyến khích sinh viên phát triển những dự án nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường đang tác động đến Việt Nam hiện nay. Trong đó, tác phẩm sắp đặt “AĂ” do nhóm 3 sinh viên Trương Thành An (22 tuổi, ngụ quận 7), Trần Bích Tuyết Nhi (21 tuổi, ngụ quận 7) và Kee Zi Sing (cha người Malaysia, mẹ người Việt Nam) cùng thực hiện. Thông qua tác phẩm, các bạn trẻ gửi đến thông điệp mong muốn mọi người tìm thấy bản sắc Sài Gòn - TPHCM. 

Nói về lý do chọn TPHCM làm đề tài chính, Kee Zi Sing chia sẻ: “Tôi thấy được ở TPHCM có những nét riêng thú vị mà không nơi nào có được. Chỉ cần nhìn người dân TP tìm cách thích nghi với thời tiết vào mùa nắng hay mùa mưa cũng thấy được sự sáng tạo, ý chí và phảng phất đâu đó văn hóa từ nơi họ đến. Nhưng thường những thứ nhìn thấy hàng ngày sẽ hay bị phớt lờ và xem là bình thường, nên cả nhóm mình muốn thông qua dự án này, gợi nhớ mọi người về những nét đặc trưng của TP, từ đó tri ân bản sắc đa dạng văn hóa của TPHCM”.

Triển lãm “Sài Gòn tương giao” mở cửa từ 8 giờ đến 17 giờ, từ nay đến hết ngày 21-3 tại Bảo tàng TPHCM (65 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1). Ngoài tác phẩm “AĂ”, triển lãm còn trưng bày nhiều tác phẩm thể hiện góc nhìn của người trẻ về TPHCM. Trong đó, có thể nói đến dự án “Thân” của Nguyễn Thái Hoàng, khuyến khích mọi người hãy chụp ảnh để lưu lại nét văn hóa trong từng khu dân cư ở TP; tác phẩm “Saigon in a Walk” (tạm dịch: “Sài Gòn qua những bước đi”) của Đinh Ngọc Minh Châu, nơi mà người xem sẽ được khám phá TP từ góc nhìn của một người đi bộ…

Tin cùng chuyên mục