Sài Gòn có gì đặc biệt

Ai cũng biết Sài Gòn - TPHCM là vùng đất hội tụ, nhưng đặc trưng, đặc sản của mảnh đất này là gì? Điều gì ở nơi này khiến ai đi xa cũng lưu luyến nhớ về? Tuần lễ thể nghiệm: Tái khám phá Sài Gòn đã đem lại lời giải đáp và những câu chuyện thật sự thú vị.
Triển lãm được đặt trong Coworking Space - không gian làm việc chung, giúp người trẻ có thể vừa làm việc vừa thường thức tác phẩm
Triển lãm được đặt trong Coworking Space - không gian làm việc chung, giúp người trẻ có thể vừa làm việc vừa thường thức tác phẩm

Cảm nhận từ khán giả trẻ

Tranh thủ giờ nghỉ buổi trưa, nhóm bạn trẻ thưởng lãm những bài báo cũ, bộ lịch nói về đời sống thành phố qua hai mùa mưa nắng, Thu Nguyệt (23 tuổi, nhân viên lập trình game online) chia sẻ: “Lần đầu tiên, tôi được đọc những bài báo cũ thế này, được viết rất cẩn thận, không sai sót chính tả như người trẻ chúng ta bây giờ. Và giọng văn mang đậm nét của người Nam bộ, đọc cảm thấy gần gũi như cách người ta đang nói chuyện với nhau”.

Trong một không gian khác trên đường Hàm Nghi (quận 1), đông đảo các bạn trẻ chiêm ngưỡng những hình ảnh về các công trình kiến trúc qua nhiều thời kỳ của thành phố. Không ít những địa điểm như: Lăng Ông Bà Chiểu, Nhà giam Chí Hòa, Biệt thự Phương Nam... dù là người đang sống ở thành phố, nhưng các bạn trẻ chưa từng được biết đến. “Xem triển lãm rồi tìm hiểu về kiến trúc đô thị của thành phố cũng hay hay.

Đôi khi mình chỉ thấy những tòa nhà cao tầng, những công trình mới xây hiện nay, mà không hiểu được hết những nét kiến trúc xưa độc đáo trong lòng thành phố, những dấu ấn khác biệt theo thời gian”, Nguyễn Quốc Hưng (25 tuổi, kiến trúc sư) chia sẻ.

Cùng cảm nhận với Hưng, Minh Thi (24 tuổi, nhân viên thiết kế) cho biết: “Vì là dân thiết kế, nên tôi cũng thích xem triển lãm về những công trình trong thành phố, nhưng không có nhiều thời gian để đi lại. Triển lãm ngay trong không gian làm việc thế này thì tiện hơn, có thể tranh thủ vừa làm vừa xem, nhất là những công trình biệt thự cổ của thành phố, khá ấn tượng với tôi”.

Bên cạnh những dấu ấn văn hóa đặc sắc của thành phố xưa, chuỗi sự kiện còn dành riêng không gian tại quận 2, để hướng đến việc xây dựng lối “sống xanh” trong thành phố. Từ việc tái hiện thực trạng ô nhiễm trong thành phố, đến hướng dẫn hạn chế và tái chế rác thải nhựa đều sẽ diễn ra tại đây.

Đặc biệt, trong chuỗi sự kiện còn có sự tương tác trực tiếp với người tham gia thông qua “Xưởng mùi hương” với phòng thí nghiệm di động, để khách có thể tự tạo ra những mùi hương về Sài Gòn theo cảm nhận riêng: như mùi bánh mì nóng hổi sáng sớm, mùi dầu thơm của cô bạn học, mùi sách cũ hay mùi dầu gió của bà ngoại…

Đặt trong không gian làm việc

Tận dụng lợi thế về không gian làm việc trẻ trung, năng động, lượng khách hàng đủ mọi đối tượng và đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, anh Đỗ Sơn Dương, 35 tuổi, chủ hệ thống Toong - không gian làm việc chung (Coworking Space) đầu tiên tại Việt Nam tổ chức “Tuần lễ thể nghiệm: Tái khám phá Sài Gòn” từ ngày 22 đến 28-7 đã thu hút đông đảo người trẻ.

Đây được xem như một lời hồi đáp cho câu hỏi “Sài Gòn có gì đặc biệt?” và mong muốn lan tỏa những giá trị văn hóa xưa và nay trong tiến trình phát triển của thành phố đến với nhiều người, nhất là những bạn trẻ.

“Nếu là khách du lịch khi đến thành phố, người ta sẽ quan tâm nhiều đến các địa điểm vui chơi, tham quan, còn những ai đang sống ở thành phố thì bận rộn với guồng quay của công việc, nhiều khi bất chợt câu hỏi - Sài Gòn có gì đặc biệt, có chỗ nào hay, có món nào đặc sản cũng làm mình ngớ người ra”, anh Sơn Dương chia sẻ.

Triển lãm được kết hợp với thể nghiệm, mang đến cảm nhận từ nhiều giác quan khác nhau cho người xem như xem những thước phim xưa về thành phố, trong không gian biến đổi về mùi hương theo từng nội dung đoạn phim.

Nhạc sĩ Vũ Khắc Tuận (33 tuổi), đảm nhận phần âm nhạc trong những thước phim về Sài Gòn xưa, chia sẻ: “Vì đây là không gian làm việc chung, phòng đa phương tiện được dùng để làm phòng chiếu phim cho triển lãm lần này nên khán giả cảm nhận âm thanh, sự vật sẽ rất rõ nét và sinh động, không bị loãng trong không gian quá rộng hay ảnh hưởng bởi âm thanh lai tạp bên ngoài”.

Dấu ấn đời sống Sài Gòn xưa được tái hiện qua những bài báo cũ và những hình ảnh: buổi trưa ở chợ Bến Thành, xích lô dạo quanh thành phố… hay hình ảnh ấn tượng về một thời người ta bu quanh sạp báo tìm tờ nhật trình mới nhất. Theo chia sẻ từ anh Dương, khá khó khăn mới có thể thu thập các tin bài, ký sự, tiểu thuyết feuilleton của các ký giả, cây bút chủ lực, cả những trang bìa, những áp phích, những măng sét của họa sĩ minh họa ngày đó.

“Đối diện với một thời đại quay cuồng, lai tạp, đây là dịp để người yêu nghệ thuật, văn hóa, viết lách tìm về cái hay cái đẹp của tiếng Việt, tìm về thẩm mỹ thiết kế Sài Gòn xưa đầy sức sống. Để từ đó có được nguồn cảm hứng bất tận cho việc sáng tạo xây dựng văn hóa đọc - xem tử tế cho thế hệ tiếp nối của đất Sài Gòn - TPHCM”, anh Dương bày tỏ.

Sự kiện diễn ra đồng thời tại 5 địa chỉ của hệ thống không gian làm việc chung Toong, với 5 chủ đề khác nhau về những dấu ấn văn hóa xưa và nay của thành phố như: Chủ đề “Dinh thự Thời Gian” tại 87 Hàm Nghi, quận 1; chủ đề “Tiệm ăn Tân Kỳ”, 20 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1; chủ đề “Ảnh viện Ngôn Từ”, 126 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3; chủ đề “Nhà may Thanh Lịch”, Vista An Phú, 628c Xa lộ Hà Nội, quận 2; chủ đề “Bảo tàng Tương Lai”, Vista Verde, Đồng Văn Cống, quận 2.

Tin cùng chuyên mục