Sài Gòn… bao đồng quá

Có lẽ, ở thời điểm này, chẳng còn ai xưng mình là dân Sài Gòn gốc bởi từ lúc mở bờ cõi thành Gia Định đến Sài Gòn - TPHCM, vùng đất này đã là đất của lưu dân. 
Góc nhỏ ở thành phố nghĩa tình và bao dung
Góc nhỏ ở thành phố nghĩa tình và bao dung

Sài Gòn là nơi đất lành nên dân tứ xứ đến đây an cư rồi lập nghiệp, lập thân. Và cứ thế, dù là dân cố cựu bám trụ ở mảnh đất này từ nhiều đời hay chỉ mới chân ướt chân ráo đến đây học hành, mưu sinh… đều mặc kệ, người Sài Gòn có tính năm kể tháng bao giờ. Người Sài Gòn có đủ thứ giọng Bắc, Trung, Nam, Tây - Tàu lơ lớ, có mảnh đất nào trên dải đất hình chữ S này có đủ các dân tộc sinh sống như Sài Gòn. Bởi thế, với Sài Gòn, chẳng ai là người lạ. 

Tôi đến đây ngót nghét 20 năm, từ đứa sinh viên nhà quê lên trọ học rồi Sài Gòn cưu mang, cho tôi một công việc để hoài bão và không biết tự lúc nào, mảnh đất tạm này lại trở thành quê hương thứ hai. Mảnh đất này như ôm tất cả những đứa con xa xứ vào lòng. Bởi thế, tôi chưa từng muốn rời bỏ nơi này kể cả lúc cuộc sống đô thị nhiều thử thách nhất. Người ta nói, ở Sài Gòn bạn có thể thiếu tiền, có thể buồn nhưng tuyệt đối sẽ không bao giờ cô đơn. Nếu thấy cô đơn chỉ cần xách xe chạy ra ngã 5, ngã 6 nào đó, hòa vào dòng người kẹt xe, hít đầy bụng khói bụi thì nỗi cô đơn tự dưng bay biến mất. Một câu chuyện tiếu lâm truyền khẩu thôi nhưng đúng, Sài Gòn vội vã nhưng không lướt qua người khó khăn bao giờ. 

Không nơi đâu mà ở khắp những ngã tư, thường có những bình trà đá, thùng bánh mì được… quăng ở ngoài đường nhiều như Sài Gòn. Những thứ này được để sẵn dành tặng cho bất kỳ ai có nhu cầu. Người ta cứ để đó, ai gặp khó mà thấy khát, thấy đói, thậm chí không thiếu thốn nhưng nếu thấy cần, thấy tiện vẫn cứ lấy dùng. Chẳng ai quan tâm xem ai là người nhận và cũng không biết chủ nhân của những bình trà đá miễn phí, tủ bánh mì bạn đường kia là ai, bởi ở ai thiếu thì tự nhiên đến lấy và đến lúc đủ đầy sẽ tự động góp vào. Cũng Sài Gòn bày ra mấy cái quán cơm 0 đồng, cơm có thịt, đông nghịt người khó khăn, cơ nhỡ tìm về sau mỗi bận mưu sinh… 

Nhiều người nói người thành phố lạnh tanh, mạnh ai nấy sống, thực ra người Sài Gòn không thích can dự vào chuyện người khác nhưng gặp chuyện bất bình hay thấy không ưng cái bụng là có chịu để yên bao giờ. Đi đường Sài Gòn nếu có lỡ “chặt hẻm” thì đừng lo lạc đường bởi vì chỉ cần thấy ai đó lơ ngơ vừa chạy xe vừa nhấp nhổm là nghe tiếng từ trong nhà nói với ra liền: “Phía trước hẻm cụt con ơi, chạy ra đi! Đừng quẹo bên đó ra không được đâu”. Hay mấy đứa sinh viên tỉnh lẻ mới lên thành phố lớ ngớ cầm điện thoại ra xem định vị tìm đường liền được nghe mấy câu gắt gỏng kiểu không thể ghét được: “Hổng biết dắt xe xích vô đây rồi bấm điện thoại, bộ muốn bị giật mất điện thoại hả bây?”.

Tôi là kiểu con gái đi xe không biết khi nào xe sắp hết xăng, hết nhớt mà nếu không gặp được những người tử tế thì số lần dắt bộ khó đếm nổi. Mới đây thôi, trời mưa lớn thì xe tôi chết máy, bụng than thầm sao xui dữ vậy. Thấy tôi loay hoay, một chú Grab mặc áo mưa chạy ra. Nhìn nhìn một hồi, chú nói có còn xăng đâu mà chạy rồi không ngần ngừ lấy xe ra giúp đẩy xe tôi đi đổ xăng. Trời mưa, chú không dám bật app lên chạy vì sợ con Wave ngộp máy giữa đường nhưng lại chịu đẩy một người lạ đi tìm cây xăng. Đến nơi, tôi vội cảm ơn và lấy tiền gửi chú nhưng chú cố rồ ga cái xe cà tàng bỏ chạy thật nhanh và liên tục lắc tay về phía sau… 

Sài Gòn có nhiều người bao đồng như vậy đó. Người ở đây không chờ giàu mới giúp người khác. Và tôi biết nhiều người cũng như tôi, bực mình vì Sài Gòn kẹt xe, ồn ào, đắt đỏ nhưng hỏi vì sao vẫn muốn sống ở đây, sẽ chẳng thể đưa ra một lý do cụ thể. 

Đôi khi chỉ vì một Sài Gòn bao đồng mà trở nên đáng sống.

Tin cùng chuyên mục