Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều nhiều “sạn”: Có biểu hiện của thương mại hóa?

Trước phản ứng gay gắt của dư luận xã hội về bộ sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều “nhiều sạn”, một số chuyên gia, nhà khoa học cũng đã lên tiếng phê phán. Các bậc phụ huynh có con em đang học bộ sách này cũng không khỏi lo ngại vì sử dụng những từ ngữ thiếu “sự trong sáng của tiếng Việt”. Trên đây là một vài ý kiến của các chuyên gia pháp lý, phụ huynh...

* Tiến sĩ Hoàng Quốc Đạt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, đào tạo ứng dụng tâm lý kinh doanh và giáo dục học đường:

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều nhiều “sạn”: Có biểu hiện của thương mại hóa? ảnh 1

Nội dung phải xuất phát từ tâm lý lứa tuổi học sinh

SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều biên soạn có sai sót nhất định, cần phải chỉnh sửa. Khi biên soạn SGK lớp 1, phải xuất phát từ tâm lý lứa tuổi của các cháu học sinh. Tâm lý lứa tuổi ở đây trước hết phải là chung nhất, đồng thời có cái đặc thù. Các cháu ở đô thị tiếp cận thông tin nhiều hơn, nhanh hơn, các cháu ở nông thôn tiếp cận có khác hơn. Đất nước mình có 54 dân tộc, vùng sâu vùng xa có cách tiếp cận khác thành thị, nhưng mà phải có cái chung, thống nhất và xuyên suốt.

Trong biên soạn SGK, phải xác định truyền thống hào hùng của dân tộc, đánh thắng thực dân, đế quốc. Những hình ảnh ấy cần được đưa vào SGK lớp 1, để phát huy truyền thống của người đi trước. Trong quá trình hội nhập, tức là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, việc biên soạn SGK lớp 1 phải dựa trên sự độc lập tự chủ, rất riêng biệt, rất Việt Nam, đồng thời học hỏi tinh hoa của các nước tiên tiến.

Biên soạn SGK lớp 1, cần cả nội dung và hình ảnh. Nội dung là phản ánh cốt cách của người Việt Nam, cả về khoa học tự nhiên và xã hội, tình yêu thương con người, lòng yêu thương của con trẻ với ông bà, cha mẹ, yêu quê hương, Tổ quốc. Hình ảnh là những tấm gương tiêu biểu trong lao động, học tập và chiến đấu, những anh hùng trong kháng chiến. Đặc biệt, SGK biên soạn phải có sự giáo dục nhân cách con trẻ, tạo ra tư duy nhất định của các cháu.

* Luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn Luật sư TPHCM: 

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều nhiều “sạn”: Có biểu hiện của thương mại hóa? ảnh 2

Xã hội hóa nhưng không thương mại hóa

Thời gian qua, dư luận xã hội bức xúc về SGK Tiếng Việt  lớp 1 của bộ Cánh Diều, với những sai sót không đáng có. Hậu quả của nó sẽ rất nặng nề, liên quan đến cả thế hệ, nếu không được phát hiện kịp thời. Những vấn đề đặt ra trong công tác biên soạn SGK là xã hội hóa chứ không thương mại hóa.

Xã hội hóa trong biên soạn SGK sẽ thu hút đông đảo đội ngũ nhà khoa học, nhà giáo có tên tuổi tham gia. Giáo viên, phụ huynh và cả học sinh có quyền chọn SGK tốt nhất, phù hợp nhất cho mình. Những ưu điểm của xã hội hóa, xóa độc quyền trong biên soạn SGK rất lớn.

Tuy nhiên, mặt trái của xã hội hóa đã xuất hiện, đó là tình trạng thương mại hóa công tác biên soạn: chạy theo hình thức, số lượng, cẩu thả về nội dung và chạy đua với thời gian. Và không loại trừ, vì lợi nhuận mà nhóm biên soạn có thể đi cửa sau để sách qua cửa hội đồng kiểm duyệt cũng như nhà trường, hội phụ huynh… Xã hội hóa soạn SGK là cần thiết nhưng tuyệt đối không được thương mại hóa.

* Cô Lục Như Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, quận 3, TPHCM:

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều nhiều “sạn”: Có biểu hiện của thương mại hóa? ảnh 3

Phải thực tâm vì nền giáo dục nước nhà

Cũng như các giáo viên khác, năm học này, chúng tôi đã khá vất vả để làm quen với bộ SGK mới, sau khi tham khảo 5 bộ SGK mới để góp ý, chọn lựa. Nhìn chung, mỗi bộ SGK đều có cái hay riêng. Tuy nhiên, bộ Cánh Diều có sự dàn trải trong kết vần.

Do vậy, các em cần nhiều thời gian để học vần. Một trong những hạn chế của bộ Cánh Diều là sử dụng truyện ngụ ngôn. Không ai từ chối hay đánh giá truyện ngụ ngôn là không thiết thực, nhưng việc truyền tải ý nghĩa câu chuyện để độ tuổi các con cảm nhận là rất khó.

Mặt khác, bộ Cánh Diều sử dụng khá nhiều phương ngữ. Vấn đề này đã khiến cho giáo viên rất bối rối khi giải thích và các con sẽ khó khăn trong tiếp cận với sự trong sáng của tiếng Việt… Những thiếu sót của bộ Cánh Diều đã được dư luận xã hội quan tâm và để khắc phục, hội đồng thẩm định cần chú trọng đến vai trò, trách nhiệm của mình. Người trong hội đồng phải có thực tài và thực tâm vì nền giáo dục nước nhà.

* Luật gia Nguyễn Linh Giang, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam:

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều nhiều “sạn”: Có biểu hiện của thương mại hóa? ảnh 4

Phải luật hóa công tác biên soạn và thẩm định sách giáo khoa

Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật Giáo dục (luật số 43/2019/QH 14), nội dung điều chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục. Đây là bước tiến lớn trong công tác giáo dục, đào tạo của đất nước.

Tuy nhiên, từ sự cố của bộ sách Cánh Diều đã cho thấy lỗ hổng pháp lý về công tác quản lý biên soạn, thẩm định SGK. Luật Giáo dục có 9 chương, 115 điều đã có tầm bao quát, điều chỉnh những vấn đề về quản lý, phát triển giáo dục, nhưng không có điều khoản nào quy định về công tác biên soạn, thẩm định SGK. Vì thế, khi sai sót xảy ra, cơ quan quản lý nhà nước lúng túng trong việc xác định trách nhiệm thuộc nhóm soạn sách hay hội đồng thẩm định.

Khi không xác định rõ trách nhiệm thì khó xử lý, ngăn ngừa sai sót tiếp diễn. Việc cần làm hiện nay là xây dựng hành lang pháp lý, sớm ban hành quy định pháp luật để điều chỉnh hành vi biên soạn, thẩm định và lựa chọn SGK. Chỉ khi công tác soạn thảo, thẩm định và phát hành SGK được luật định mới loại bỏ những bộ SGK chất lượng yếu, không đạt yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục