Sách đặt hàng phải được phổ biến rộng

Xin kể lại một câu chuyện nhỏ: Ở trụ sở một cơ quan hội văn học nghệ thuật nọ, khi bước vào sảnh, người ta thấy có những kệ sách, ai muốn đọc thì lấy. Hầu hết sách in rất đẹp, giấy trắng bóng. Phía sau bìa sách, thay vì ghi giá tiền, thì in dòng chữ “Sách Nhà nước đặt hàng”. Có thể hiểu đây là sách được Nhà nước rót kinh phí thực hiện nhằm mục đích tuyên truyền về chủ trương, chính sách, phổ biến văn hóa nói chung đến người dân. Điều đáng tiếc là sách không bày bán rộng rãi, công khai nhằm phổ biến tri thức đến đông đảo bạn đọc, mà chỉ được phát cho các đại biểu tham dự hội nghị, hội thảo; hoặc nhằm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch nào đó. Ít ra, cách trưng bày trong trụ sở như hội văn học nghệ thuật trên để ai biết thì lấy cũng khá linh hoạt và ít nhiều hiệu quả. Nếu không, có lẽ chúng sẽ tiếp tục được giữ trong kho để lúc nào có hội nghị thì lại… tặng tiếp! 

Xin nêu một ví dụ tại TPHCM, Nhà nước từng tài trợ công trình sách “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng TPHCM” bản in đẹp, gồm 25 quyển tập hợp khoảng 1.560 tác phẩm của hơn 400 tác giả với hơn 20.000 trang in. Công trình gồm nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, ký sự, thơ, kịch bản, cho đến chính luận, lý luận, phê bình văn học... Bộ sách quý này tái hiện sinh động 100 năm văn học yêu nước, cách mạng từ năm 1900 đến năm 2000; phản ánh những thành tựu về văn học yêu nước, cách mạng của TPHCM nói riêng và vùng đất Nam bộ nói chung. Đặc biệt, công trình đã nêu bật những nét riêng của nền văn học phát sinh trên vùng đất mới, một mặt trận văn hóa - văn nghệ đầy tính chiến đấu, đầy tinh thần yêu nước, đầy nghĩa khí. Thế nhưng, bạn đọc có nhu cầu biết tìm mua nơi đâu?

Trong khi đó, đối với các đơn vị truyền bá văn hóa nước ngoài, dù có tài trợ hoặc một phần tài trợ, họ cũng nghĩ đến cách phát hành rộng rãi. Chẳng hạn, bộ sách Tranh dân gian Việt Nam do Maurice Durand sưu tầm và nghiên cứu đã từng được EFEO xuất bản lần đầu tiên vào năm 1960; là kết quả của nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm trên các phố phường Hà Nội và các vùng lân cận thuộc đồng bằng Bắc bộ. Nay, NXB Văn hóa Văn nghệ phối hợp tái bản, cũng có ghi giá bán. Một sự kiện liên quan đến tác phẩm Lục Vân Tiên là khi cố GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, sang thăm thư viện của Viện Pháp (Institut de France, Paris), ông đã được người phụ trách giới thiệu về cuốn sách này, ngoài bìa có dòng chữ viết tay bằng tiếng Pháp: Histoire de Luc Van Tien illustrée par Le Duc Trach. Và khi NXB Văn hóa Văn nghệ cùng EFEO tái bản, vẫn không quên… ghi giá bán.

Mới đây nhất, các bộ sách quý như Thánh Mẫu linh tiêm, Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam thuộc dự án Vietnamica - công trình đặc sắc của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành cũng có ghi giá bán cụ thể. Ai cũng biết rằng, Vietnamica - Dự án châu Âu về nghiên cứu lịch sử và số hóa tư liệu văn bia Việt Nam - một trong những dự án do Hội đồng Nghiên cứu châu Âu thuộc Liên minh châu Âu tài trợ. Thế thì, dù có nguồn kinh phí từ dự án nhưng người làm sách vẫn ghi giá bán, âu cũng là một cách đưa sách đến tay bạn đọc.

Với một vài dẫn chứng trên, ta thấy cách làm này là sòng phẳng và chỉn chu liên quan đến đời sống của một quyển sách, tức nó phải được lưu thông trên thị trường nhằm phục vụ đông đảo người đọc, chứ không chỉ in ra rồi dán mác “Sách Nhà nước đặt hàng”, để rồi chỉ được phổ biến trong phạm vi hẹp, dẫn đến tình trạng “người cần không có, người có không cần”.

Tin cùng chuyên mục