Rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa tinh thần

Tại hội thảo lấy ý kiến về Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa đô thị tại các huyện trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2030” (gọi tắt là đề án), do Sở VH-TT TPHCM tổ chức mới đây, ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các sở ngành và 5 huyện ngoại thành đều đánh giá cao sự cần thiết sớm ban hành bộ tiêu chí về văn hóa đô thị ở khu vực đô thị hóa.

Nhiều tiêu chí văn hóa, xã hội còn thấp

Số liệu khảo sát của dự thảo đề án đưa ra kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển văn hóa, xã hội 5 huyện ngoại thành TPHCM (Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) năm 2020 về nội dung: Văn hóa, thể thao, giáo dục, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, y tế và nông thôn mới.

Trong đó, theo Phó Giám đốc Sở VH-TT Võ Trọng Nam, thu nhập bình quân đầu người của huyện Nhà Bè là thấp nhất với 66 triệu đồng/năm. Ở tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, huyện Nhà Bè cũng thấp nhất trong 5 huyện ngoại thành với hơn 90%.

Ở tiêu chí giáo dục, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia của huyện Hóc Môn thấp nhất, chỉ đạt 17,65%. Về tỷ lệ thị trấn đạt chuẩn văn hóa đô thị, xã đạt chuẩn văn hóa, văn minh đô thị, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, huyện Hóc Môn cũng thấp nhất với hơn 80%.  

Rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa tinh thần ảnh 1 Trình diễn hát bội - hoạt động thu hút khán giả ở cơ sở. Ảnh: THÚY BÌNH

Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Võ Trọng Nam cho rằng, chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững của 5 huyện ngoại thành trên có sự chênh lệch đáng kể. Trong đó, huyện Cần Giờ vẫn còn 3,05% hộ nghèo, huyện Củ Chi có 1,04% hộ cận nghèo.

Đây là 2 huyện nông thôn mới được TPHCM và Trung ương nhiều năm qua đầu tư khá lớn cho các chương trình an sinh, y tế, giáo dục. Tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn “Gia đình văn hóa” ở 2 huyện này là hơn 90%, trong khi các chỉ số về xã đạt chuẩn văn minh đô thị, xã đạt chuẩn văn hóa, văn minh đô thị và xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới đều đạt 100%.

Số liệu về xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở mà nhóm nghiên cứu trong đề án đưa ra cũng đáng quan tâm, đó là khả năng đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở các huyện ngoại thành đang có những điều cần xem lại.

Trong nhiều năm qua, TPHCM đã đầu tư khá lớn xây dựng các trung tâm văn hóa huyện, nhà văn hóa xã, trung tâm thể thao, thư viện, tủ sách, sân chơi thiếu nhi…, nhưng số người đến tham gia các hoạt động tại đây rất ít. Cơ sở vật chất nhìn bên ngoài thì to đẹp nhưng bên trong nhiều dụng cụ, trang bị đã xuống cấp, hư hỏng, lạc hậu, không thể tổ chức các loại hình văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn…

Phát triển thiết chế văn hóa theo đặc thù từng khu vực

Theo Sở VH-TT TPHCM, trong xu thế phát triển của TPHCM, một yêu cầu mang tính tất yếu là đẩy mạnh việc xây dựng đô thị, nâng các huyện ngoại thành trở thành các quận hoặc các thành phố vệ tinh của TPHCM. Điều đó có nghĩa là, sự vận động và phát triển của đời sống văn hóa, xã hội người dân các huyện cần có sự quan tâm, đầu tư, đề ra các tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp với sự chuyển đổi đó; tạo điều kiện để người dân nông thôn nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa của người dân giữa thành thị và nông thôn. Trên cơ sở đó, xác định khung giá trị về các tiêu chí, tiêu chuẩn văn hóa đô thị dành cho các huyện gắn với việc xây dựng lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa đô thị.

Nội dung của đề án là đề xuất các tiêu chí, tiêu chuẩn về thiết chế văn hóa, nguồn nhân lực văn hóa, giải pháp và quy trình thực hiện các tiêu chí. Nhiều mô hình, giải pháp được các huyện đưa ra, gồm: Huyện Nhà Bè xây dựng nông thôn mới gắn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân; huyện Cần Giờ đẩy mạnh hoạt động lễ hội gắn với phát triển kinh tế du lịch; huyện Củ Chi nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm văn hóa - thể thao; huyện Bình Chánh phát triển các CLB văn hóa, văn nghệ…

Trong đó, như lời Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, các huyện cần định rõ mô hình và phương thức duy trì, phát triển các thiết chế văn hóa phù hợp với đặc tính của từng vùng khi chuyển đổi thành đô thị. Thực tế tại 5 huyện này trong thời gian dài vừa qua cho thấy, các thiết chế văn hóa hoạt động kém hiệu quả, lãng phí tiềm năng phát triển các loại hình văn hóa, giải trí vùng nông thôn Nam bộ.

“Khi đã lên đô thị hóa, đời sống văn hóa tinh thần của cư dân cũng sẽ thay đổi, không ngừng biến đổi theo xu thế hội nhập, phát triển và nền công nghiệp 4.0. Cần xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa theo đặc thù của từng khu vực. Phải bảo đảm nguồn nhân lực cho các trung tâm văn hóa - thể thao hoạt động, phát triển theo một mô hình mới rộng mở, thu hút đông đảo công chúng đến tham gia”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan gợi mở.

Tiêu chí phát triển văn hóa đô thị các huyện thành quận trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2030, gồm: Văn hóa, thể thao đô thị (6 tiêu chí); y tế đô thị (5 tiêu chí); giáo dục đô thị (5 tiêu chí); việc làm, thu nhập bình quân hộ nghèo ở đô thị (4 tiêu chí). 

Tin cùng chuyên mục