Rừng thông liên tục bị đầu độc

Thời gian gần đây, nhiều vụ khoan lỗ, bơm thuốc độc hủy hoại rừng thông liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với quy mô, thiệt hại ngày càng tăng. Trách nhiệm người đứng đầu, tập thể, cá nhân được quy định cụ thể nhưng không còn phù hợp thực tế, cộng với cơn khát đất sản xuất khiến nhiều người bất chấp thủ đoạn để đầu độc rừng thông.
Cả rừng thông tại tiểu khu 460 bị chết khô
Cả rừng thông tại tiểu khu 460 bị chết khô

Thông xanh… úa đỏ

Trở lại địa bàn huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), chúng tôi giật mình bởi tốc độ sụt giảm rừng ở đây. Dọc hai bên đường nối từ trung tâm thị trấn Lộc Thắng vào thôn 5, xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) dài khoảng 20km, những khoảnh rừng “da báo” xuất hiện liên tục. Người dân địa phương gọi rừng thông “da báo” bởi những khoảnh rừng lởm chởm cà phê, chanh leo xen giữa những cây thông.

Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi đến lô d, khoảnh 3, tiểu khu 438A chứng kiến cảnh hàng trăm cây thông ba lá bị đầu độc, chết khô đứng trơ giữa bạt ngàn cà phê, chanh leo bên dưới, đây là khu rừng cộng đồng thôn 4, xã Lộc Phú được giao bảo vệ từ năm 2013.

Tiếp tục di chuyển về gần trụ sở UBND xã Lộc Phú, tại lô a, khoảnh 6, tiểu khu 438A, ngoài số lượng thông bị đầu độc chết khô, người dân còn phát hiện hàng trăm khúc gỗ (dài 1,5 - 2m) được chôn dưới đất, trên bề mặt là những gốc thông nham nhở được phủ đất ngụy trang. Tại khu vực này, nhiều cây bơ được trồng mới và rừng đã bị một số đối tượng dùng lưới thép B40 quây lại theo từng lô. Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, lực lượng kiểm lâm đã đào và phát hiện 399 khúc gỗ, trữ lượng khoảng 9,65m3

Còn trên đoạn đường vào thôn 7, xã Lộc Ngãi dài khoảng 1km, khu rừng thông trồng năm 1986 đã chết khô không thể khôi phục. Số thông bị đầu độc được xác định vào khoảng giữa tháng 5-2019 khi người dân sống trong khu vực ngửi thấy mùi thuốc trừ sâu đậm đặc trong không khí. Qua kiểm kê, bước đầu cơ quan chức năng đã xác định tại khoảnh 2, 3 tiểu khu 460 có 330 cây thông bị đầu độc bằng hình thức khoan lỗ, chặt rễ bơm thuốc hóa chất trên diện tích khoảng 6.450m2, trữ lượng gỗ thiệt hại gần 150m3. Đến nay vụ việc đã được khởi tố, truy tìm đối tượng phá rừng. 

Trước đó, cuối tháng 4-2019, Công ty cổ phần Tập đoàn nguyên liệu giấy Tân Mai (đơn vị chủ rừng) phát hiện khoảng 3.500 cây thông 17 năm tuổi bị đầu độc tại tiểu khu 292, lâm phần thuộc xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà gây thiệt hại 10,05ha, khối lượng 239m3 gỗ. Tại hiện trường, nguyên cả khu rừng thông lá úa đỏ, chết khô không thể khôi phục được, xung quanh những vườn cà phê xanh tốt xâm lấn vào khu rừng thông. Xác định đây là vụ phá rừng có quy mô, tổ chức lớn bậc nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn, Công an tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc điều tra, bắt và khởi tố 5 đối tượng có liên quan. Trong đó, ban chuyên án đã bắt được Bạch Đình Kế (37 tuổi, trú xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), kẻ cầm đầu đã thuê một số đối tượng khác đầu độc thông nhằm chiếm đất sản xuất.

Thiếu chế tài xử lý!

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trong 7 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn xảy ra 390 vụ vi phạm các quy định bảo vệ rừng, trong đó có 186 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm. Diện tích thiệt hại do phá rừng là 41ha, lâm sản thiệt hại 2.746m3 gỗ. Vậy vì sao tình trạng đầu độc rừng thông để lấy đất sản xuất ngày càng phức tạp, nhưng địa phương chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả? Lý do mà các cơ quan liên quan đưa ra là: hình thức phá rừng tinh vi, lực lượng bảo vệ rừng mỏng, thiếu chế tài xử lý… 

Lập chuyên án xử lý băng nhóm phá rừng

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa giao Công an tỉnh Lâm Đồng điều tra, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, kịp thời xử lý nghiêm, công khai các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật (trong đó điển hình là vụ “Hủy hoại tài sản” rừng trồng tại tiểu khu 292, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà) phối hợp điều tra xử lý các vụ phá rừng trên địa bàn báo chí phản ánh. Đồng thời chủ động thành lập các chuyên án đấu tranh, ngăn chặn xử lý các đường dây, băng nhóm phá rừng, hủy hoại rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản, lấn chiếm, sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép. Cử lực lượng công an tham gia ngay từ đầu để củng cố chứng cứ, nắm bắt thông tin phục vụ công tác điều tra, xử lý vi phạm.

Những lý do “chung chung” đó chỉ đúng một phần. Phần quan trọng còn lại là sự thiếu trách nhiệm, thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng và chủ rừng. Hầu hết các vụ đầu độc thông quy mô lớn xảy ra tại Lâm Đồng đều có điểm chung là để lấy đất sản xuất và vị trí đều nằm gần vườn rẫy của dân.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã chỉ rõ rằng, không phải tự nhiên một người ở xa tới khu rừng đó “ken” cây (vạt gốc cho cây chết dần), nên khi xảy ra vụ việc cần khoanh vùng, xác định ai là người mua bán, sang nhượng, sản xuất trên đất rừng đó thì sẽ làm rõ được đối tượng phá rừng. Vì vậy, thời gian tới các cơ quan chức năng phải quyết liệt vào cuộc để điều tra, làm rõ và xử lý các đối tượng phá rừng. Đối với diện tích thông bị chết trong thời gian qua sẽ tiến hành cưa hạ toàn bộ và trồng rừng thay thế ngay trong mùa mưa năm 2019.

“Tuyệt đối không để hợp thức hóa bất cứ trường hợp nào chiếm đất lâm nghiệp”, ông Phạm S nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục