Rừng thảo dược trên đỉnh Cà Đam

Trên đỉnh Cà Đam cao 1.450m có một bản làng người Cor mang tên loài cây thơm của rừng - làng Quế. Bản làng ấy sống hòa thuận với rừng núi, coi rừng như tổ tiên nguồn cội để hướng về. Rừng cũng sản sinh ra nhiều phẩm vật, thảo mộc, lộc lá quý hiếm ban tặng con người. Cứ thế, hàng trăm năm qua, người Cor và rừng núi Cà Đam sống cộng sinh, tồn tại như một hợp thể không tách rời.

“Nhà thuốc” giữa rừng

Giữa cái giá rét lạnh cắt da thịt những ngày cận Tết Tân Sửu, chúng tôi ngược ngàn tìm về với bản làng người Cor sống trên đỉnh Cà Đam (thuộc huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi). Làng Quế (xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng) nằm cao vót trên đỉnh rừng Cà Đam, 4 mùa sương rừng phủ trắng. Khác với những mảnh rừng lân cận, rừng Cà Đam vẫn còn được dân làng Quế bảo vệ khá nguyên vẹn. Từ trong làng, già Hồ Văn Thiết (62 tuổi) vạch đám sương rừng hiện ra trước mặt tôi. Ông đang lẩm bẩm nói bằng thứ tiếng bản địa để trách móc con bò vừa dẫm phá rừng quế mới trồng.

Theo trí nhớ của già Thiết, ông thuộc thế hệ thứ 3 trong dòng tộc sinh ra ở rừng Cà Đam này. Bây giờ ông đã có nhiều cháu trai và gái, chứng minh cho thế hệ thứ 5 bám đất, bám rừng nơi đây. Già Thiết kể, làng Quế lấy từ tên của một loài cây quý trong rừng có mùi thơm rất đặc trưng. Ngoài quế, ở rừng Cà Đam còn nhiều loại sâm, cây thuốc quý. Người Cor ở làng Quế đi rừng rất khỏe, người già sống thọ đến 90 hoặc 100 tuổi. Tất cả đều nhờ hưởng khí hậu trong lành và ăn cây sâm, cây thuốc ở rừng Cà Đam. Khu rừng này giống như nhà thuốc của làng vậy. Cũng theo cụ Thiết, từ xưa, buôn làng Quế lập ra lời thề phải giữ bằng mọi giá khu rừng Cà Đam. 

Anh Hồ Quang Tạo, Trưởng thôn Quế kể rõ, trước đây, làng Quế lập được hội đồng làng gồm những bô lão, già làng uy tín để cùng ngồi lại luận tội buôn làng. Làng lập ra “luật” riêng để giữ rừng. Những người phá rừng bị phạt theo từng mức độ, từ cảnh cáo đến phạt heo hoặc buộc trồng lại rừng mới; nặng hơn có thể bị trục xuất ra khỏi làng. Kể cả gia súc cũng bị cấm vào rừng, nếu con bò phá cây sâm, cây quế thì người chủ bò phải gánh tội thay. “Nhờ ý thức giữ rừng của cả làng rất tốt nên hiện tại rừng Cà Đam vẫn được giữ nguyên vẹn để làm mái nhà cho làng, cho các loài sâm trú ẩn, phát triển. Khí hậu trên này luôn mát mẻ, có nhiều sương mù, sản vật ngon, được ví như Đà Lạt 2 ở Quảng Ngãi vậy”, anh Tạo nói.

Cũng theo anh Tạo, hiện cộng đồng người Cor ở thôn Quế (98 hộ) đã tìm được khoảng 40 loại sâm, thuốc quý ở rừng Cà Đam. Mỗi loài sâm được dân làng gọi là cây thuốc chữa được rất nhiều thứ bệnh khác nhau, nên rất được cộng đồng người Cor trân quý, giữ gìn. 

Giữ rừng, nuôi loài sâm tái sinh

Trưởng thôn Tạo trăn trở, hiện tại vẫn chưa có một nghiên cứu nào chính thức về tiềm năng, lợi thế của rừng Cà Đam và các loài sâm, cây thuốc chữa bệnh. Tất cả chỉ dựa vào sự hiểu biết của người dân Cor ở làng Quế. Hơn 1 thập niên trước, hầu hết các loài sâm và cây thuốc ở rừng Cà Đam chỉ để phục vụ, chữa bệnh cho cộng đồng người Cor ở ven núi Cà Đam. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều loài sâm ở rừng Cà Đam được các thương lái miền xuôi săn lùng với giá khá cao. Trong đó, sâm 7 lá là loài được săn lùng nhiều nhất. 

Anh Hồ Ngọc Lâm, Bí thư Chi bộ thôn Quế, nói rằng: “Thương lái mua sâm 7 lá Cà Đam (lấy củ) theo từng ký, nhưng rất rẻ, có khi giá mỗi ký chỉ có 500.000 đồng. Nhưng sâm 7 lá hiếm lắm, không phải muốn có lúc nào cũng được. Làng phải để sâm sống đủ 5 đến 7 tuổi, nặng từ 1kg đến 1,5kg mới được thu hoạch”.

Sâm 7 lá có chu kỳ sinh trưởng rất đặc biệt, mỗi năm nó tự nẩy ra một mầm cây, sống với thân đó cho đến hết năm rồi lại chết để tái sinh. Sâm tái sinh vào mùa xuân, sống qua mùa hè thì nở hoa kết trái, đến mùa thu lại rủ ngọn ngủ đông. Qua năm sau, lặp lại chu kỳ sống của một cây sâm tái sinh khác. Người Cor tính tuổi sâm 7 lá bằng các đốt của mầm cây chết đi để lại trên củ sâm. 

Theo lời ông Lâm, sâm 7 lá bản địa rừng Cà Đam đang hiếm dần. Lo rừng Cà Đam mất sâm quý, nhiều người dân ở làng Quế bắt đầu thay đổi tư duy chuyển sang nuôi sâm, để giữ lại và phát triển nguồn sâm bản địa. Anh Tạo đưa tôi đi thăm khu vườn nuôi sâm 3.000m2 của mình và một số hộ dân ở bìa rừng Cà Đam. Lợi dụng địa hình núi nhỏ ven bìa rừng, anh Tạo trồng bổ sung cây quế và cây chè có tuổi từ 3 đến 5 để tạo tán rừng và độ che phủ cho cây sâm. Hiện anh Tạo và một số hộ dân làng Quế đã nuôi sống được trên 3.000 cây sâm đủ loại, trong đó có 300 cây sâm 7 lá bản địa rừng Cà Đam...

Bà Huỳnh Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trà Bồng khẳng định, cộng đồng người Cor ở đây rất có ý thức về bảo vệ rừng. Họ có luật làng, hương ước, bảo vệ hàng trăm hecta rừng Cà Đam rất nghiêm ngặt để sinh sống, hưởng lợi từ các loài sâm, cây dược liệu dưới tán rừng. Địa phương đang nghiên cứu, sẽ có đề xuất cụ thể lên huyện, tỉnh để có hướng đi riêng cho làng Quế, nhằm phát huy hết các giá trị, tiềm năng của rừng Cà Đam.

Tin cùng chuyên mục