Rừng lại "biến mất" ở Bình Định: Trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ rừng

Diện tích rừng bị phá mới đây tại xã Đắk Mang (huyện Hoài Ân, Bình Định) có thể sẽ lớn hơn báo cáo ban đầu (20 ha), cơ quan chức năng đang hoàn tất hồ sơ báo cáo con số thiệt hại cụ thể và sẽ cũng cố hồ sơ để khởi tố vụ án.

Theo thông tin từ Sở NN-PTNT Bình Định, đơn vị được mời giám định lại thiệt hại trong vụ phá rừng mới đây tại khoảnh 1, khoảnh 2, tiểu khu 108, xã Đắk Mang (huyện Hoài Ân, Bình Định) là Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp - nông thôn (Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định). 

Hiện trường cây rừng bị phá để trồng lại rừng ở Đắk Mang (huyện Hoài Ân, Bình Định)
Sau khi có kết quả chính thức, Hạt Kiểm lâm Hoài Ân sẽ củng cố hồ sơ, chuyển sang VKSND để khởi tố vụ án.

“Nếu như vụ phá rừng mới đây tại xã An Hưng (huyện An Lão) do doanh nghiệp thực hiện thì vụ việc tại xã Đắk Mang lại do người dân phá rừng với mục đích trồng rừng kinh tế”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT nhận định.

Theo lý giải của ông Phan Trọng Hổ, một phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân phải bảo vệ diện tích rừng quá lớn, vượt sức nên không kiểm tra kịp thời.

Tuy vậy, ông Phan Trọng Hổ nhấn mạnh, trách nhiệm chính để mất rừng ở đây thuộc về chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân, Kiểm lâm và chính quyền địa phương.

Diện tích rừng bị tàn phá nằm trong diện quy hoạch rừng phòng hộ
Còn ông Lê Văn Bình, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hoài Ân lại nói, rừng đã được giao cho cộng đồng dân cư thôn 06 (xã Đắk Mang). Trước đây nơi này là nơi chăn thả trâu bò thường xuyên của người dân. Về việc chậm đi kiểm tra báo cáo, ông Bình lấy lý do, đường sá xa xôi, hiểm trở đi lại khó khăn địa bàn ở vùng sâu nên khó kiểm tra.

Đơn vị chức năng bước đầu đã xác định được đối tượng phá rừng là người dân thôn 06, xã Đắk Mang, phá để lấy đất trồng keo lai. Diện tích rừng bị phá tuy đã quy hoạch vào chức năng rừng phòng hộ nhưng chủ yếu là cây gỗ nhỏ đường kính 20 cm - 25 cm;...

Rừng được quy hoạch phục hồi chức năng phòng hộ bị người dân phát trắng, đốt dọn để trồng keo tràm
Tuy vậy, chính quyền Bình Định nhấn mạnh dù là người đồng bào dân tộc phá rừng thì cũng sẽ khởi tố vụ án và làm cương quyết, không nhân nhường để cá nhân nào được đà lấn tới hay kẻ xấu lợi dụng đồng bào dân tộc để phá rừng.

Dự kiến đến ngày thứ hai tuần tới đây ( 9-10) Hạt Kiểm lâm huyện sẽ hoàn tất hồ sơ để chuyển qua VKS khởi tố vụ án; sau đó chuyển sang Cơ quan CSĐT, CA huyện Hoài Ân mở rộng điều tra vụ việc.

Ông Hoàng Anh Dũng, Bí thư Huyện ủy Hoài Ân cho biết: “Những cán bộ, đảng viên có trách nhiệm liên quan để vụ phá rừng xảy ra, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ có hình thức kỷ luật”. 

>> Dưới đây là một số hình ảnh cận cảnh phá rừng tại Đắk Mang:

Rừng lại "biến mất" ở Bình Định: Trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ rừng ảnh 4 Diện tích rừng bị phá đã được đốt rụi 
Rừng lại "biến mất" ở Bình Định: Trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ rừng ảnh 5 Cây gỗ rừng bị chặt hạ nằm ngổn ngang
Rừng lại "biến mất" ở Bình Định: Trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ rừng ảnh 6 Vùng rừng bị tàn phá nham nhở
Rừng lại "biến mất" ở Bình Định: Trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ rừng ảnh 7
Rừng lại "biến mất" ở Bình Định: Trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ rừng ảnh 8 Hiện trường vùng rừng bị chặt trắng ở khoảnh 1, khoảnh 2, tiểu khu 108, xã Đắk Mang (huyện Hoài Ân, Bình Định)
Rừng lại "biến mất" ở Bình Định: Trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ rừng ảnh 9 Vùng rừng nằm ở vị trí rất xa xôi, địa thế hiểm trở nên diện tích rừng bị chặt phá ngang nhiên
Rừng lại "biến mất" ở Bình Định: Trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ rừng ảnh 10 Cơ quan chức năng đang đi kiểm tra rừng bị tàn phá
Rừng lại "biến mất" ở Bình Định: Trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ rừng ảnh 11 Theo nhận định ban đầu ,rừng bị phát trắng khoảng 20 ha, nhưng diện tích rừng bị phá cụ thể có thể lớn hơn 

Tin cùng chuyên mục