Rừng cao su bỏ hoang, dân yêu cầu trả lại đất

360,6ha rừng cao su tại 2 xã Bình Khương và Bình Nguyên (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị bỏ hoang gần 8 năm nay do vướng mắc về quyền sử dụng đất, khiến cho hàng trăm hộ dân có đất mà không được sử dụng, gây lãng phí lớn.
Rừng cao su bỏ hoang, dân yêu cầu trả lại đất

Năm 1999, người dân xã Bình Khương giao đất lâm nghiệp cho Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi trồng cao su đại điện trong thời hạn 49 năm. Đến năm 2009, gặp bão lớn nên nhiều diện tích cao su bị ngã đổ, số cây cao su ngã đổ được Công ty khai thác bán. Lúc này hàng trăm người dân chăm sóc cao su không được hưởng lợi nên giữa công ty và người dân nảy sinh tranh chấp, bên cạnh đó, vướng mắc về quyền sử dụng đất trong quá trình đo đạc, khiến sự việc kéo dài, diện tích cao su bị bỏ hoang. 

Ông Mai Văn Thanh (xã Bình Khương, huyện Bình Sơn) nói: “Hơn 2,3 ha đất trồng cao su hiện tại là do tôi khai hoang trồng mì, ngô. Đến khi công ty có dự án trồng cao su thì tôi tham gia, lấy công chăm sóc. Khi xảy ra sự việc năm 2009, những người chăm sóc cao su lâu năm như tôi đều không được chia lợi”. Theo ông Thanh thì, từ thời điểm nhận chăm sóc cao su, năm 2001, đến năm 2009, nếu trồng keo thì ông đã xuất bán 3 lứa, mỗi lứa bán ra gần 200 triệu đồng.

Hiện nay, rừng cao su bị bỏ hoang, nhiều người vào rừng “mót” cao su về bán. Từ thời điểm diễn ra tranh chấp, người dân đã trồng keo xen vào cao su.Tuy nhiên, hầu hết các diện tích đất đều không có sổ đỏ, nên người dân muốn trồng trọt cũng rất khó.

Ông Nguyễn Đức Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khương, cho biết, mới đây, tỉnh Quảng Ngãi có văn bản thống nhất không ban hành quyết định thu hồi đất đối với phần diện tích 360,6 ha tại 2 xã Bình Khương và Bình Nguyên, đang vướng mắc quyền sử dụng đất. Cho phép công ty tận thu số cây cao su và xử lý tài sản trên đất, bàn giao diện tích đất cho địa phương quản lý.

Tuy nhiên theo ông Sơn, rất nhiều người dân nằm trong dự án cao su không đồng thuận. Ông Sơn nói: “Người dân không đồng thuận tận thu cao su vì chính người dân đã bỏ công chăm sóc nhiều năm trước đó mà chưa được hưởng lợi, hơn nữa, người dân trồng keo trên đó, nên khi tận thu sẽ gãy keo của người dân. Đồng thời, nếu giao đất cho địa phương để trồng các cây công nghệ cao thì cũng rất khó hiệu quả. Vùng đất này do bà con khai phá trồng trọt, người dân có nguyện vọng trả lại đất, lập giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho bà con”. Hiện tại, ông Sơn cho biết, huyện Bình Sơn vẫn chưa có văn bản về xã hướng dẫn hỗ trợ giải quyết thỏa đáng cho người dân.

Tin cùng chuyên mục