Rủi ro thay đổi chính sách từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài

Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là chủ đề của cuộc hội thảo diễn ra ngày 7-12 tại Hà Nội. 
Phát biểu tại hội thảo, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội cho biết: “Các thành viên của AmCham rất lạc quan về triển vọng phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại về những thay đổi gần đây trong chính sách và các quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Nhiều lĩnh vực có quy định bất cập

Minh họa cho nhận định này, ông Adam Sitkoff nói, việc dự thảo Luật An ninh mạng quy định các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam không những không giúp cải thiện tình hình an ninh mạng mà còn tạo ra gánh nặng không cần thiết cho các doanh nghiệp nước ngoài. Một ví dụ khác là Nghị định 181/2023-NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Quảng cáo, theo đó một đơn vị Việt Nam chỉ có thể làm việc với một cơ quan quảng cáo được cấp phép ở quốc gia. “Yêu cầu này không chỉ đặt Việt Nam vào tình trạng vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia theo Hiệp định gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà còn hạn chế cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi muốn quảng bá sản phẩm và dịch vụ của họ trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook hay Google”, đại diện AmCham phân tích.
Vẫn theo ông Adam Sitkoff, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt cũng là quy định “không thông dụng và không được khuyến khích”. Chỉ có 4 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiếm khoảng 2% dân số khu vực, áp dụng loại thuế này, trong khi nó tác động không tốt đến nền kinh tế và chưa được chứng minh là giúp bảo vệ sức khỏe. 

Tán thành quan điểm này, ông Herbert Cochran, Giám đốc Liên minh Thuận lợi hóa thương mại Việt Nam cho rằng, việc tăng thuế giá trị gia tăng và bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có thể “lợi bất cập hại”. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực này sẽ chịu tổn hại nhiều nhất, thậm chí có thể không tiếp tục hoạt động. Người tiêu dùng có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng và tổng thu ngân sách từ thuế của Chính phủ không những không tăng mà còn có thể giảm xuống. Đó là kinh nghiệm thực tế của Indonesia và Đan Mạch. Mặt khác, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đối với nước ngọt sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong ngành thực phẩm và nước giải khát… “Chúng tôi đề nghị Chính phủ xem xét nghiêm túc các tác động tiềm ẩn về kinh tế - xã hội của việc thay đổi chính sách thuế và xem xét lại đề xuất tăng thuế hoặc áp dụng các loại thuế mới nhằm duy trì niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường và tránh các suy nghĩ tiêu cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam”, chuyên gia này kết luận.   

Chính sách cần tính toán độ trễ

Ghi nhận những thay đổi tích cực trong môi trường pháp lý cho lĩnh vực dược, song đại diện Tiểu ban y tế (AmCham) bày tỏ băn khoăn về nhiều nội dung trong Nghị định 54 hướng dẫn thi hành Luật Dược. Chẳng hạn, quy định các doanh nghiệp FDI nhập khẩu thuốc không được thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp đến phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc… bao gồm vận chuyển, nhận bảo quản thuốc.

Đây là điểm bất hợp lý, vì việc vận chuyển, nhận bảo quản thuốc bị coi như phân phối thuốc. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được đầu tư thành lập cơ sở bảo quản thuốc, trong khi đây là lĩnh vực được phép theo Luật Dược và cam kết WTO. Một số hệ quả tiêu cực dễ thấy là các doanh nghiệp FDI đang cung cấp dịch vụ bảo quản thuốc chuyên nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động hoặc thay đổi mô hình kinh doanh, gây tổn thất cho dự án đầu tư. Các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc sẽ phải đầu tư xây dựng hệ thống kho bảo quản mới và đầu tư nhân lực để vận hành hệ thống kho đó. Chi phí trên mỗi đơn giá thuốc sẽ tăng, làm giảm khả năng chi trả của người dân, nhất là người thu nhập thấp… Đề xuất của vị này là quán triệt việc thực hiện Luật Dược và tiếp tục cho phép các doanh nghiệp FDI cung cấp dịch vụ bảo quản và vận chuyển thuốc; đồng thời có quy định bất hồi tố đối với các doanh nghiệp FDI đã được cấp phép đầu tư và hoạt động tại Việt Nam.

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, từ kinh nghiệm 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài vừa qua, khi thay đổi chính sách, luật pháp cần bảo đảm tính hệ thống, công khai, minh bạch và có độ trễ nhất định về thời gian thi hành để nhà đầu tư và doanh nghiệp chủ động trong chiến lược kinh doanh. Thực hiện chính phủ điện tử và cởi bỏ hai nút thắt ở bộ máy nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức theo hướng cải cách và hội nhập cũng là những khuyến nghị mạnh mẽ mà chuyên gia kỳ cựu Nguyễn Mại nêu ra. 

Bên cạnh những lĩnh vực cụ thể như thuế, dược phẩm, truyền thông, sở hữu trí tuệ… việc bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai, tạo điều kiện hình thành thị trường quyền sử dụng đất, đặc biệt là đất nông nghiệp được nhiều ý kiến tại hội thảo đề xuất coi như một ưu tiên hàng đầu trong năm 2018.
Trên 60% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi

 Tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2018: Thích ứng trong môi trường kinh tế đang biến đổi diễn ra chiều 7-12, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cho rằng, dù niềm tin của doanh nghiệp trong năm 2017 tăng lên nhưng doanh nghiệp sẽ đối mặt nhiều thách thức trong năm 2018. Ngoài yếu tố khách quan, còn là các vấn đề liên quan đến điểm yếu nội tại của nền kinh tế, từ mô hình kinh tế chủ yếu dựa trên lao động giá rẻ, trình độ công nghệ thấp; đất đai, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, trong khi hiệu quả sử dụng chưa tăng đáng kể; doanh nghiệp trong nước vẫn hạn chế cả về quy mô, năng lực điều hành, dẫn tới hạn chế về khả năng cạnh tranh… Hiện tại, dù có gần 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng trên 60% doanh nghiệp vẫn trong tình trạng kinh doanh không có lãi. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên (11 tháng có trên 116.000 doanh nghiệp thành lập mới), nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cũng chưa giảm như kỳ vọng…
HÀ MY 

Tin cùng chuyên mục