Rủ nhau sống chậm

Khách đến và đi trong yên ắng, tiếng trao đổi vừa phải, mọi thứ dường như nhường chỗ cho sự tĩnh lặng, có thể nghe rõ mồn một tiếng rót trà, tiếng lách tách của dụng cụ ấm chén. Một không gian dành cho người trẻ, nhưng giản dị và chậm rãi đến mức không cần Internet hay mạng xã hội.

Nhường chỗ cho cảm xúc

Trong buổi học về trà và thiền tại một quán cà phê trên đường Lê Quang Định, phường 7, quận Bình Thạnh, một chủ đề không có gì hiện đại, mới mẻ nhưng toàn bộ khách tham dự là những gương mặt trẻ.

Mạng wifi mạnh hay yếu, mật khẩu là bao nhiêu, góc nào trong quán “check - in” đẹp… dường như không còn quan trọng. Chiếc điện thoại đã trở nên thứ yếu, chỉ để liên lạc khi cần, các bạn trẻ chú tâm vào cách đun nước, chọn trà, pha trà… cảm nhận và chia sẻ cùng nhau.

“Lúc trước, đi cà phê với đám bạn, chúng tôi luôn chọn quán có nhiều góc chụp hình đẹp hoặc ly nước uống phải pha chế thật cầu kỳ, để chụp hình rồi khoe lên mạng xã hội. Riết rồi cảm thấy mình bị cuốn theo lối sống ảo, phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội, Internet, không vô mạng một chút là không chịu nổi. Bây giờ, tôi tập hạn chế dần mạng xã hội, nên chọn quán trà này để cùng nhau tìm hiểu về trà đạo, nói chuyện và chia sẻ trực tiếp thay vì cắm cúi vào màn hình”, Đặng Thị Minh Nhàn (24 tuổi, nhân viên đồ họa, ngụ quận Bình Thạnh) tâm sự.

Sau cuộc điện thoại đột xuất với khách hàng, trở lại bàn trà và tiếp tục câu chuyện, Minh Trưởng (27 tuổi, kỹ sư cơ khí, ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ: “Tôi thích không gian yên tĩnh này, lúc đăng ký buổi học trà và thiền, cả nhóm bạn cùng cam kết dẹp điện thoại hay mạng xã hội qua một bên, chỉ tập trung pha trà và chia sẻ cùng nhau. Chúng tôi tâm sự những khó khăn trong cuộc sống, giúp nhau tìm cách giải quyết như vậy sẽ tốt hơn những trạng thái buồn bã đăng lên mạng”. 

Buổi tìm hiểu về trà và thiền thu hút nhiều bạn trẻ tham gia

Vũ Minh Quân (20 tuổi, ngụ quận 12) cho hay: “Mạng xã hội có thật có ảo, dù là ảo nhưng hậu quả mà nó để lại là thật, nên tôi cũng đang tập hạn chế dần, tìm đến những không gian như thế này thiết thực hơn, bạn bè được trò chuyện trực tiếp với nhau. Cũng không hẳn là ép bản thân phải từ bỏ mạng xã hội, nhưng sử dụng hạn chế lại, chủ yếu để liên lạc, trao đổi công việc khi cần”.

Rèn luyện lối sống tích cực

“Sống xanh”, “Eat Clean”, “Sống tối giản” là những xu hướng xây dựng lối sống lành mạnh, rèn luyện sức khỏe nghiêm túc và bảo vệ môi trường dần được nhiều bạn trẻ quan tâm và theo đuổi.

Tại một phòng tập gym trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, đã gần 21 giờ, nhưng không khí vẫn sôi nổi. Vừa kết thúc buổi tập, Thu Thảo (23 tuổi, nhân viên thiết kế thời trang, ngụ quận 5) cho biết: “Làm xong là tôi tranh thủ ghé phòng tập, về nhà sớm không làm gì dễ bị nghiện điện thoại, cứ cắm đầu vào mạng xã hội. Tập thêm để có sức khỏe tốt, đỡ cảm ho lặt vặt mà không bị lệ thuộc vào điện thoại quá nhiều. Khi rèn luyện thể thao thì tinh thần cũng phấn chấn hơn, không bị ám ảnh bởi những suy nghĩ tiêu cực”.

Chia sẻ về việc xây dựng lối sống xanh từ những sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường, Nguyễn Tấn Tài (24 tuổi, kỹ sư hóa hữu cơ, ngụ quận 8) cho biết: “Vì bản thân làm trong lĩnh vực này, nên tôi thường chuộng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc hàng hóa ở nhà làm và dần dần cũng thuyết phục gia đình rồi bạn bè dùng thử. Những sản phẩm hữu cơ có thể không quá bóng bẩy về hình thức, cũng như mỹ phẩm hữu cơ không mang lại tác dụng nhanh trong vòng một vài ngày mà cần phải có một thời gian nhất định. Tuy nhiên, những sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên tốt cho sức khỏe người dùng hơn là những sản phẩm hóa học. 

Là nhân viên bộ phận đối ngoại, công việc thường xuyên tiếp xúc khách hàng, tuy nhiên Nguyễn Ngọc Hạnh (25 tuổi, ngụ quận 4) chỉ đầu tư những vật dụng cá nhân ở mức đơn giản nhất.

Hạnh kể: “Lúc trước, tôi nghiện mua sắm, giày dép, túi xách, quần áo phải thay mới liên tục. Khi mọi thứ quá tải, dọn dẹp lại tủ quần áo, tôi giật mình vì đã hoang phí quá đà vào mua sắm. Sau khi thanh lý hết những thứ không cần thiết, tôi tập cách sống tối giản, chỉ mua sắm khi cần; lâu ngày xem lại thì tài khoản tiết kiệm cũng tăng lên, để tiền cho những việc khác cần thiết hơn”.

Làm việc trong môi trường năng động và hiện đại, nhưng Ngọc Hạnh lại theo đuổi lớp học thiền chậm rãi, tĩnh lặng. “Tôi chọn cách thiền để bản thân bình tĩnh hơn trước những sự cố trong công việc và cuộc sống. Tôi cũng vào các trang mạng xã hội để bắt kịp những xu hướng hay trào lưu mới phục vụ cho công việc, còn lại thì tôi hạn chế, vì nếu không đủ bình tĩnh rất dễ bị lôi kéo vào đám đông trong thế giới ảo”, Hạnh chia sẻ thêm.

Rõ ràng, nhiều bạn trẻ đang chọn sống chậm với lối sống tích cực và tiết kiệm thời gian lẫn tiền bạc. Lối sống này rất cần được nhân rộng trong cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục