Rộng cửa hơn nữa để đón người tài

Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra vào đầu năm 2021, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, vấn đề lựa chọn được người đủ tài đức để gánh vác việc nước là nội dung không những chỉ được cán bộ, đảng viên quan tâm mà còn là mối quan tâm chung của người dân cả nước.
Đại hội đại biểu Đảng bộ phường Bình Thọ (quận Thủ Đức, TPHCM) đã thí điểm bầu trực tiếp bí thư. Ảnh: KIỀU PHONG
Đại hội đại biểu Đảng bộ phường Bình Thọ (quận Thủ Đức, TPHCM) đã thí điểm bầu trực tiếp bí thư. Ảnh: KIỀU PHONG

Thước đo chọn cán bộ

Ngày 26-4, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đã có bài viết đặc biệt quan trọng này. Theo đó, công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng xác định phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và bảo đảm công tâm, khách quan trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu… Bài viết cũng đặt yêu cầu phải bằng mọi biện pháp dứt khoát, không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.

Ở Việt Nam, đa phần các vị trí chủ chốt, quan trọng đều do các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nắm giữ. Vì vậy, việc lựa chọn được những Ủy viên Trung ương Đảng thật sự đáp ứng tiêu chuẩn mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ ra có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của đất nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, nếu để lọt những người không xứng đáng vào cương vị lãnh đạo “là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đề ra những yêu cầu về lựa chọn nhân sự rất đầy đủ và sát sao. Nếu chúng ta làm đúng và làm trúng những nội dung này, chắc chắn sẽ lựa chọn được những cán bộ lãnh đạo thật sự tài năng, đức độ, tâm huyết.

Còn nhớ, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết “Nhân tài và Kiến quốc” đăng trên báo “Cứu Quốc” vào ngày 14-11-1945. Trong bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người dân góp phần vào công cuộc kiến thiết quốc gia và nhấn mạnh về việc kiến thiết thì phải có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều. Ngày 20-11-1946, báo “Cứu Quốc” tiếp tục đăng bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một bản thông báo với tựa đề “Tìm người tài đức”, ký tên “Chủ tịch Chính phủ Việt Nam - Hồ Chí Minh”.

Để người tài không e dè

Bằng chính sách cầu hiền đúng đắn, bằng sự tận tụy và hy sinh hết mình cho đất nước và dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp xung quanh mình rất nhiều những người tài năng, tâm huyết với đất nước và dân tộc. Người trực tiếp và cử đặc phái viên mời các nhân sĩ trí thức nổi tiếng ra tham gia gánh vác việc nước. Trong đó, để mời được cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần vừa đánh điện, vừa cử đặc phái viên vào tận nơi. Lịch sử không có chữ nếu, nhưng nếu năm ấy, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp, người được ủy nhiệm làm Quyền Chủ tịch nước không phải là cụ Huỳnh Thúc Kháng thì không hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Trước khi đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ gửi gắm cụ Huỳnh 6 chữ, xin cụ ở nhà hãy “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Sau này, tiễn tướng Võ Nguyên Giáp ra chiến dịch Điện Biên Phủ, Người cũng chỉ dặn tướng Võ Nguyên Giáp 4 chữ “tướng quân tại ngoại”. Võ Nguyên Giáp là vị Đại tướng lừng danh đã được “con mắt tinh đời” của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, trọng dụng đúng với khả năng, tài năng và đức độ của ông. Và, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng từ người thầy của mình…

Có không ít những câu chuyện như thế thể hiện rõ nét tư tưởng cầu hiền và dùng người đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với Người, tất cả những ai, dù xuất thân ra sao, cuộc đời trước thế nào, nếu đã đứng về phía Nhân dân, đã hy sinh vì quyền lợi tối cao của đất nước và dân tộc thì sẽ được trọng dụng. Chúng ta đã từng có những tấm gương rất đáng để học hỏi về vấn đề này sau Bác Hồ, đó là cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt…

Có những điều ở thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị hiện nay, nhất là thái độ chân thành trong cầu hiền tài hoặc chính sách đúng đắn trong sử dụng người tài.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong nhiều năm qua, những tiêu chí khắt khe trước đây về tiêu chuẩn chính trị trong lựa chọn người tài đã thông thoáng và cởi mở hơn. Song, hiện vẫn còn có những quy định làm nhiều người thực tâm muốn đóng góp cho đất nước vẫn e dè. Vậy nên, có lẽ Đảng cần “mở cửa” vấn đề này hơn nữa. Vừa qua, đã có một số đại hội Đảng cấp cơ sở và cấp huyện thí điểm bầu trực tiếp bí thư. Đó là những bước tiến đáng khích lệ trong công tác lựa chọn cán bộ hiện nay. Cũng vậy, mỗi vị trí lãnh đạo cần có nhiều ứng cử viên để họ tranh luận với nhau, đề ra chương trình hành động vận động tranh cử ngay trong tổ chức Đảng và đảng viên. Làm tốt điều này, Đảng sẽ phát huy được dân chủ tập thể (khi mọi đảng viên đều có tiếng nói, vai trò quyết định của mình trong việc lựa chọn nhân sự) và lựa chọn được những người thật sự có năng lực, bản lĩnh, tài năng. 

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đang đến rất gần. Công tác nhân sự là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại hội, bởi lựa chọn được người hiền năng gánh vác việc nước thì đất nước sẽ hưng thịnh. Ngược lại, để cho những “con lươn”, “con chạch” chui sâu, leo cao vào bộ máy sẽ là tai họa cho đất nước và dân tộc. Khi bàn về việc lựa chọn người tài đức ra gánh vác việc nước, chúng ta lại nhớ đến lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nào: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”.

Tin cùng chuyên mục