Rối loạn giọng nói - dấu hiệu nguy hiểm

Rối loạn giọng nói là tình trạng giọng nói của người bệnh trở nên thay đổi khác thường. Đáng lo ngại, căn bệnh này đang có xu hướng gia tăng ở những người phải nói nhiều do tính chất công việc.
Bác sĩ khám họng cho một học sinh
Bác sĩ khám họng cho một học sinh

Ảnh hưởng sức khỏe, cuộc sống

Sau một đêm ngủ dậy, anh N.H.T. (22 tuổi, ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) bỗng nhận thấy giọng nói của mình khác lạ so với mọi ngày, bình thường giọng anh trầm ấm dễ nghe, nhưng giờ the thé. “Lúc đầu, tôi cứ nghĩ mình bị viêm họng do uống nước đá và hút thuốc, nhưng sau khi tới bệnh viện khám và làm các xét nghiệm lâm sàng, các bác sĩ cho biết, tôi bị rối loạn giọng nói do có một u nang nhỏ ở thanh quản, cần phải điều trị”, anh T. chia sẻ. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Đức, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, trường hợp giọng nói bị thay đổi bất thường như bệnh nhân T. là khá phổ biến và do nhiều nguyên nhân gây ra. Bản chất của căn bệnh là sự thay đổi các tính chất đặc trưng của giọng nói, như cường độ, cao độ và âm sắc. Bệnh có thể diễn biến từ từ hoặc cấp tính. Trong đó, thay đổi về cường độ là người bệnh có chất giọng yếu, thều thào, hụt hơi, thậm chí không thể nói được. Thay đổi về cao độ, giọng bệnh nhân trở nên trầm hoặc cao hơn hẳn so với chất giọng vốn có. Thay đổi về âm sắc là khi giọng nói có các tính chất như khàn đặc, căng nghẹt, hoặc kèm theo hơi thở trong lời nói. 

Đáng lo ngại, rối loạn giọng nói không chỉ là dấu hiệu bất thường về sức khỏe mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến giao tiếp, công việc và chất lượng cuộc sống người bệnh. Đây cũng có thể là tiềm ẩn của tổn thương nguy hiểm gây nên như: tổn thương não, khối u ác tính thanh quản. Theo các bác sĩ, giọng nói chính là phương tiện để giúp mỗi cá nhân giao tiếp hàng ngày nên rối loạn giọng nói sẽ gây khó khăn, cản trở mỗi cá nhân hòa nhập với xã hội. Đối với trẻ em, giọng nói bất thường làm trẻ không dám nói, do sợ bị chê cười, từ đó gây tác động tiêu cực đến quá trình phát triển tâm sinh lý, cũng như khả năng học hành của trẻ. 

Một số nghiên cứu cho thấy, có nhiều nguyên nhân gây ra chứng rối loạn giọng nói, có thể do tổn thương thực thể, hoặc do rối loạn về mặt chức năng của đường phát âm. Trong đó, các tổn thương thực thể như: tổn thương não (xuất huyết não, khối u); viêm nhiễm ở tai mũi họng; tổn thương lành tính thanh quản (polyp, hạt xơ, u nang, u nhú) cho tới tổn thương tiền ung thư, hoặc bị liệt dây thanh…

Không được tự điều trị

 Qua thống kê của cơ quan y tế, tỷ lệ bị rối loạn giọng nói ở người lớn từ 4,8%-29,1%, trẻ em từ 1,4%-6%. Đặc biệt, gần đây, xu hướng này gia tăng ở những người như: giáo viên, ca sĩ, người dẫn chương trình, người bán hàng, người kinh doanh. 

Theo các chuyên gia tai mũi họng, đối với người bị rối loạn giọng nói, tuy đường phát âm không bị tổn thương, nhưng giọng nói bị thay đổi do các yếu tố: tâm lý căng thẳng, tăng trương lực cơ vùng cổ. Do vậy, ngay khi phát hiện giọng nói bị thay đổi, người bệnh cần đến khám chuyên khoa tai mũi họng, tuyệt đối không nên tự điều trị. Việc chậm trễ trong chẩn đoán, điều trị không phù hợp và kịp thời có thể làm cho diễn biến bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho điều trị sau này.

Theo PGS-TS Lê Công Định, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai, với những trường hợp bị rối loạn giọng nói, các bác sĩ sẽ khám tai, mũi, họng, thanh quản để loại trừ các nguyên nhân gây rối loạn giọng nói như: do nghe kém làm người bệnh phải nói to, viêm nhiễm mũi họng, tổn thương cấu trúc và thần kinh của đường phát âm. Tiếp theo, người bệnh sẽ được thực hiện những thăm dò chuyên sâu để chẩn đoán về nguyên nhân, mức độ rối loạn giọng nói cũng như khả năng đáp ứng điều trị. Dựa theo nguyên nhân và mức độ rối loạn giọng nói, thầy thuốc sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể, như: điều trị nội khoa, luyện giọng, điều trị can thiệp bằng vi phẫu thanh quản, tiêm steroid dây thanh, hoặc phẫu thuật cắt dây thanh. Sau khi kết thúc liệu trình điều trị tại bệnh viện, người bệnh sẽ được theo dõi và khám lại để đánh giá mức độ hồi phục giọng nói.

Theo PGS-TS Lê Công Định, trong sinh hoạt hàng ngày, để duy trì giọng nói khỏe mạnh, người bệnh cần uống nhiều nước, có chế độ ăn ngủ điều độ, tránh lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá; tránh các thói quen dễ gây tổn thương thanh quản (la hét, đằng hắng giọng, nói trong môi trường ồn).

Tin cùng chuyên mục