Rối điều hành, tiền lệ xấu

Thị trường xăng dầu trong nước liên tục bất ổn, nguyên nhân được cho là do cách điều hành rối ren, trước sau bất nhất, thiếu dự báo, thiếu tính linh hoạt của cơ quan chức năng. 

Trước kỳ điều hành ngày 5-9, thị trường đã từng nháo nhác khi các đầu mối, thương nhân phân phối không giao đủ hàng cho doanh nghiệp bán lẻ, trong khi nguồn cung từ thế giới dồi dào, giá cũng đã giảm. Liệu có dấu hiệu doanh nghiệp đầu mối tạo khan hiếm ảo để lũng đoạn thị trường?

Đến khi giá xăng dầu được điều chỉnh, tưởng rằng thị trường trong nước sẽ ổn định, nhưng lại căng thẳng thêm bởi Bộ Công thương thông báo tước giấy phép của 5 doanh nghiệp đầu mối có thị phần rất lớn ở địa bàn phía Nam, khiến hơn 1.000 đại lý bán lẻ có nguy cơ đóng cửa.

Biện pháp tước giấy phép trong thời điểm này là chưa linh hoạt. Bởi vô hình trung, việc này có thể khiến thị trường thiếu hụt xăng dầu thật sự, hoặc tạo cơ hội cho một vài đầu mối lớn thao túng, lũng đoạn giá xăng dầu.

Mặc dù đến thời điểm này, lãnh đạo Bộ Công thương đã thông tin rằng, chưa tước giấy phép của 5 đầu mối nói trên ngay, nhưng thị trường xăng dầu vẫn đang rối ren khi nhiều đại lý chỉ được chiết khấu 0 đồng, nguy cơ thua lỗ, trong khi nếu tạm ngưng bán hàng thì bị phạt, còn nếu kéo dài thì sẽ đóng cửa hàng loạt.

Theo Thông tư số 104 năm 2021 của Bộ Tài chính (hướng dẫn các yếu tố cấu thành công thức giá cơ sở) thì khoản lợi nhuận định mức được Nhà nước tính trong giá bán xăng dầu là 300 đồng/lít, nghĩa là kiểu gì doanh nghiệp cũng có khoản lãi này. Trong khi, ngoài khoản lợi nhuận định mức, còn có chi phí kinh doanh là 950-1.250 đồng/lít cũng được Nhà nước tính vào giá bán xăng dầu.

Mức chiết khấu là do đầu mối tự thỏa thuận với đại lý, nhưng để ràng buộc đại lý lấy hàng, các đầu mối thường có mức chiết khấu đủ cạnh tranh. Khi lợi nhuận tăng, đầu mối phải chia sẻ lợi nhuận cho đại lý. Trong trường hợp khó khăn nhất, các đầu mối vẫn phải trả chiết khấu cho đại lý, bởi lợi nhuận định mức và chi phí kinh doanh đã được tính vào giá xăng dầu và tổng mức không hề thấp, đủ để đầu mối và bán lẻ chia sẻ nhau.

Do đó, Bộ Công thương phải vào cuộc điều tra làm rõ lợi nhuận của các đầu mối, vì sao không trả chiết khấu cho đại lý, có phải cố tình gây xáo trộn thị trường? Đồng thời cũng cần nghiên cứu quy định bắt buộc các đầu mối phải chiết khấu tối thiểu cho đại lý bán lẻ.

Theo nhiều chuyên gia, đáng lo ngại nhất hiện nay không còn là ở hệ thống bán lẻ, mà chính là các đầu mối, cùng với cách quản lý, điều hành kém, thiếu linh hoạt của cơ quan chức năng, từ việc cấp phép nhập khẩu, các tiêu chí về hệ thống, đến lịch điều chỉnh giá xăng dầu, mức trích lập và chi sử dụng, cách vận hành quỹ bình ổn giá…

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng, nếu không trị tận gốc rễ, giải quyết bản chất vấn đề thì tình trạng hiện nay là tiền lệ xấu, sẽ còn tái diễn trong thời gian tới.

Trước hết, cần điều chỉnh lại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP (về kinh doanh xăng dầu) theo hướng: Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu thì không bắt buộc phải sở hữu hệ thống cửa hàng bán lẻ, để giúp nhiều doanh nghiệp có thể tham gia xuất nhập khẩu; tạo môi trường cạnh tranh, có nhiều đầu mối tham gia nguồn cung, ngăn chặn nguy cơ độc quyền, lũng đoạn thị trường (thậm chí có thể mở cửa cho các doanh nghiệp xăng dầu nước ngoài vào hoạt động).

Và trên hết, cơ quan quản lý cần xem lại hiệu quả điều hành giá, nguồn cung, sự minh bạch và chịu trách nhiệm nếu tiếp tục để xăng dầu thiếu hụt trong thời gian tới, dù chỉ là “thiếu giả”.

Tin cùng chuyên mục