Robot được sử dụng nhiều ở Hàn Quốc

Để thích nghi với tình trạng thiếu hụt lao động cũng như mức lương tối thiểu ngày một tăng, nhiều công ty tại Hàn Quốc đã đẩy mạnh sử dụng robot như một giải pháp.
Robot giao hàng Dilly Drive của Woowa Brothers, nhà điều hành ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất của Hàn Quốc. Ảnh: NIKKEI ASIA
Robot giao hàng Dilly Drive của Woowa Brothers, nhà điều hành ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất của Hàn Quốc. Ảnh: NIKKEI ASIA

Theo tờ Nikkei Asia, trong một khu phức hợp ở TP Gunpo, cách thủ đô Seoul không xa, có một nhà kho khổng lồ rộng 7.000m2 của CJ Logistics, công ty hàng đầu trong lĩnh vực logistics của Hàn Quốc. Khi tham quan nhà kho này, không ít người bất ngờ khi tận mắt thấy quy trình phân loại hàng được thực hiện hoàn toàn tự động bởi robot.

Thông thường, nhân viên sẽ đi đến các kệ hàng, lấy sản phẩm khách đặt hàng đóng gói, rồi đưa lên xe chuyển phát. Tuy nhiên, CJ Logistics đã thay đổi quy trình này. Nhân viên khi nhập một đơn hàng vào hệ thống máy tính, 101 robot trong kho sẽ tự động lấy mặt hàng đó chuyển đến bộ phận đóng gói để nhân viên đóng hàng.

Theo thống kê của CJ Logistics, hệ thống tự động hóa đã giúp nhân viên cắt giảm được thời gian chờ đợi, tăng năng suất lao động (mỗi nhân viên có thể đóng gói được 23,8 hộp/giờ, thay vì 15,4 hộp/giờ như trước đây).

Trong bối cảnh lương tối thiểu đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua (dự kiến tăng lên mức 7,39 USD/giờ vào năm 2023), robot đang dần thâm nhập vào nhiều ngành công nghiệp cần lực lượng lao động đông đảo. Không chỉ xuất hiện tại các công xưởng, ngày càng có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cũng đưa robot vào làm các công việc nặng nhọc thay cho con người.

Một phóng sự của đài KBS ghi lại hình ảnh một cánh tay robot chuyển động tất bật bên cạnh lò nướng pizza. Cánh tay robot này rưới nước sốt lên đế bánh đã được phủ sẵn nguyên liệu, rồi đưa vào trong lò nướng. Nhân viên cửa hàng chỉ cần lấy bánh cho vào đĩa là hoàn tất, toàn bộ quá trình này chỉ mất 4 phút. Chủ cửa hàng trên chia sẻ: Cánh tay robot là một trợ thủ rất đắc lực vì công việc nướng bánh rất nóng. Trong thời gian robot làm việc, nhân viên cửa hàng có thể làm các công việc khác như cắt rau củ, hoặc làm pizza khác.

Trong khi đó, ở quán cà phê trong một công ty, robot được ứng dụng vào việc giao đồ uống. Nhân viên quán sẽ không cần trực tiếp tới tận nơi, mà chỉ cần để cà phê vào bên trong robot, nhập số điện thoại liên lạc và vị trí của khách hàng, robot sẽ tự đi giao hàng tận nơi. Robot sẽ tự động tránh các chướng ngại vật nhờ thông tin vị trí và cảm biến lắp đặt bên trong, thậm chí là còn có thể gọi thang máy. Khách hàng chỉ cần ngồi tại chỗ đặt hàng là robot sẽ mang đồ uống tới tận cửa văn phòng, gửi thông báo ra nhận hàng bằng smartphone. Dịch vụ giao hàng bằng robot này rất được giới văn phòng yêu thích vì không cần phải ra ngoài giữa thời tiết nóng nực hoặc công việc bận rộn.

Trên một con đường đi dạo ở một khu phố quận Songpa, thủ đô Seoul xuất hiện 1 robot tuần tra. Robot này làm nhiệm vụ phun nước để hạ nhiệt nền đất, nếu phát sinh các tình huống khẩn cấp như hỏa hoạn thì sẽ liên lạc ngay về phòng điều khiển. Thông qua camera, robot sẽ tự phán đoán phương hướng và các tình huống nguy hiểm theo thời gian thực. Dù robot này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, cần có nhân viên giám sát mỗi bước đi, nhưng dự kiến robot sẽ được thương mại hóa từ năm sau.

Thị trường robot Hàn Quốc đang tăng trưởng hơn 5% mỗi năm, doanh thu năm 2020 vượt 5.000 tỷ won (3,8 tỷ USD). Giờ đây, robot không chỉ đơn thuần làm việc trong lĩnh vực chế tạo, mà còn thay con người đảm đương những công việc mệt nhọc và phiền hà trong cuộc sống đời thường.

Tin cùng chuyên mục